Nhiếp Ảnh Nhập Môn: Chụp Ảnh Cho Người Mới

Nhiếp Ảnh Nhập Môn

Chuyên mục này sẽ giúp bạn – những người mới làm quen với Nhiếp Ảnh có thể nắm bắt nhanh những điều cơ bản nhất khi sử dụng một chiếc máy ảnh.

Exposure
Exposure - Cân bằng sáng hay đo sáng là yếu tốt quan trọng nhất của bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh này, và tất cả những gì bạn phải học ở đây đều liên quan đến ánh sáng...
Aperture
Aperture - Khẩu độ trên máy ảnh ký hiệu là chữ f đến dấu “/” và đến một con số. Hiểu đơn giản đây là 1 lỗ nhỏ bên trong chiếc lens của bạn, thông qua đó ánh sáng sẽ đi vào cảm biến...
sony
Shutter Speed
Khi ánh sáng truyền qua khẩu độ của ống kính, nó tiếp tục đi đến Shutter Speed - Màn trập. Bây giờ ánh sáng chưa đến được cảm biến, bạn cần xác định lượng ánh sáng sẽ đi vào cảm biến của mình...
ISO
Một khi ánh sáng đã đi qua khẩu độ và lọt qua được màn trập, nó sẽ đến được cảm biến. Đây là nơi mà chúng ta sẽ quyết định yếu tố tiếp theo đó là ISO...
Nội dung liên quan
Chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé...

Exposure - Cân bằng sáng hay đo sáng

Exposure

Đầu tiên tôi xin nhấn mạnh với các bạn rằng là ÁNH SÁNG chính là YẾU TỐ QUAN TRỌNG nhất của bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh này, và tất cả những gì bạn phải học ở đây đều liên quan đến ánh sáng.

Với những ai mới bắt chụp ảnh, cân bằng sáng là chìa khóa để chụp một tấm ảnh đẹp. Hiểu được cân sáng là gì và cách thức cân bằng sáng trên máy ảnh sẽ giúp bạn làm chủ được chiếc máy ảnh của mình và chụp được những bức ảnh tốt hơn. Khẩu độ, tốc độ màn trập, ISO là các yếu tố then chốt cùng phối hợp để tạo nên sự cân bằng sáng cho bức ảnh.

Và bạn sẽ được biết, những yếu tố này không chỉ để phơi sáng mà nó một sự ảnh hướng lớn hơn rất nhiều ví dụ như: Độ sâu trường ảnh, hiệu ứng xóa phông hay nhiễu ảnh. Chuyên mục này dưới góc độ là cho một người mới vừa chập chững sử dụng máy ảnh, tôi sẽ đề cập đến những đặc trưng cơ bản, tôi sẽ nói sâu hơn với từng yếu tố nhưng là ở một bài viết liên quan.

Một khi bạn đã hiểu được từng yếu tố hoạt động như thế nào, bạn có thể đi sâu vào chế độ chụp thủ công (Manual) – đây là cảnh giới cao nhất mà một thợ ảnh cần phấn đấu để làm chủ hoàn toàn chiếc máy ảnh.

“Tam giác cân bằng sáng” là một cách tuyệt vời để bạn có thể hình dung một cách đầy đủ về 3 chế độ này. Khi kết hợp lại với nhau, các yếu tố này sẽ chi phối lượng ánh sáng đi vào cảm biến từ bất kỳ khung cảnh nào. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được rằng chỉ cần thay đổi một yếu tố thì phải thay đồi các yếu tố còn lại để cân bằng sáng. Đương nhiên tôi nói ở đây là trong trường hợp bạn chụp trong cùng một điều kiện ánh sáng.

Dưới đây là “tam giác cân bằng sáng” với toàn bộ thông tin bạn cần nắm rõ:

Tam giác cân bằng sáng

khau do la gi

Aperture - Khẩu độ trên máy ảnh

Khẩu độ trên máy ảnh ký hiệu là chữ f đến dấu “/” và đến một con số. Hiểu đơn giản đây là 1 lỗ nhỏ bên trong chiếc lens của bạn, thông qua đó ánh sáng sẽ đi vào cảm biến. Nó giống như con ngươi của mắt vậy. Khẩu độ càng rộng thì ánh sáng sẽ đi vào cảm biến càng nhiều và ngược lại. Đơn giản phải không nào?

Khi khẩu độ càng lớn tức chiếc “lỗ” mà chúng ta đề cập càng lớn thì con số sau dấu “/” càng bé và ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều. Khẩu độ lớn, ánh sáng đi vào nhiều nên sẽ thích hợp với các điều kiện ánh sáng yếu nhưng điều này sẽ khiến cho độ sâu trường ảnh của bạn trở nên rất mỏng.

Note: Khi độ sâu trường ảnh mỏng sẽ tạo nên một hiệu ứng rất đặc trưng của máy ảnh đó là hiệu ứng xóa phông, tuy nhiên mặt trái để có hiệu ứng xóa phông là ảnh sẽ dễ bị out nét nếu bạn là một tay mơ mới bước vào con đường nhiếp ảnh và điểm cần chú ý nửa là hiệu ứng này cũng không thích hợp cho các bức ảnh phong cảnh.

Trên là những thông tin cơ bản nhất, chúng ta cùng đi vào chi tiết của bài viết này. Khẩu độ được mặc định đối với các nhiếp ảnh gia là phải cài đặt trước các yếu tố khác, bởi vì nó quyết định số khung cảnh mà bạn lấy nét. Nhưng, nếu bạn đang muốn tạo ra một bức ảnh với hiệu ứng chuyển động nhòe như thế này, điều thứ hai bạn cần quan tâm đó là tốc độ màn trập hay còn gọi là tốc độ chụp.

Hiệu ứng nhòe

Việc đo sáng sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có thể nhớ các mốc sau.

Tốc độ màn trập

Các tỉ lệ theo hình trên: f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, f/22.

Tìm hiều sâu hơn về Khẩu Độ

Shutter Speed - Tốc độ màn trập

màn trập

Khi ánh sáng truyền qua khẩu độ của ống kính, nó tiếp tục đi đến Shutter Speed – Màn trập. Bây giờ ánh sáng chưa đến được cảm biến, bạn cần xác định lượng ánh sáng sẽ đi vào cảm biến của mình.

Tốc độ càng nhỏ tức là tốc độ đóng của màn trập nhanh thì ánh sáng sẽ ít đi vào cảm biến hơn và ngược lại thì màn trập sẽ đóng chập hơn thì ánh sáng sẽ đi vào cảm biến nhiều hơn.

Thông thường tốc độ màn trập rất nhỏ (ví dụ 1/250s) để ảnh không bị nhòe khi chụp. Tuy nhiên tốc độ màn trập có thể linh hoạt để tạo ra các hiệu ứng khác nhau tùy theo ý đồ người chụp.

Ví dụ để chụp thể thao người ta thường để tốc độ màn trập rất nhỏ khoảng từ 1/1000s trở xuống hay để tạo ra các hiệu ứng ray sáng hoặc các bức ảnh ban đêm ảo diệu người ta sẽ để tốc độ màn trập lâu hơn từ  5s đến 30s. Tất cả phụ thuộc vào ý đồ của người chụp, phần này mình sẽ phân tích sâu hơn ở một bài viết khác.

Chụp phơi tốc thấp

Biết về cách màn trập hoạt động thông qua tốc độ màn trập sẽ là một chìa khóa giúp bạn nắm được kiến thức căn bản về nhiếp ảnh. 

Tìm hiều sâu hơn về Shutter Speed
iso trong may anh

Độ Nhạy Sáng - ISO

Một khi ánh sáng đã đi qua khẩu độ và lọt qua được màn trập rồi thì nó sẽ đến được cảm biến. Đó là nơi mà chúng ta sẽ quyết định yếu tố tiếp theo đó là ISO.

Khi bạn đẩy ISO lên cao, bạn đã tăng cân bằng sáng làm bức ảnh của bạn sáng lên. Nhưng, đồng thời chất lượng hình ảnh cũng bị giảm đi. Khi đó bức ảnh của bạn sẽ bị một hiện tượng gọi là nhiễu kỹ thuật số hay còn gọi là “grain” (bị hạt).

Cho nên bạn phải quyết định thật kỹ càng giữa việc cân bằng sáng và sự nhiễu. Ví dụ, tôi sẽ chấp nhận giảm chất lượng ảnh nếu nó giúp tôi tránh được tình trạng bức ảnh bị out nét vì dù sao thì một bức ảnh chất lượng thấp thì vẫn cứu được bằng hậu kỳ còn một bức ảnh bị out nét thì vô phương cứu chữa.

ISO = 100, canon 700d, Canon EFS 55 - 250 STM

Tìm hiều sâu hơn về ISO
khang

Một khi bạn đã có những khái niệm nhất định và hiểu được về khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO rồi thì bạn cần phải học cách để phối hợp các yếu tố này với nhau để tạo ra một bức ảnh chuẩn chỉnh. Trong tất cả các kiến thức về nhiếp ảnh cơ bản thì kiến thức về cân bằng sáng là quan trọng nhất vì như tôi đã nói đầu bài viết, ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất trong bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh.

Nếu bỏ qua yếu tố này, bố cục và khung sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất. Nhưng trên hết hãy học cân bằng sáng một cách nghiêm túc trước đã.

Hiểu được khẩu độ là gì, tốc độ màn trập là gì, ISO là gì trước đã và học cách phối hợp các yếu tố này với nhau. Và điều quan trọng nhất đó là thực hành, vì không ai chỉ đọc lý thuyết suông là giỏi lên được.

Tìm hiểu thêm...

Metering Mode: Chế độ đo sáng

Việc làm mới làm quen với máy ảnh số có thể khiến nhiều người cảm thấy bối rối. Như việc cân bằng sáng không chỉ đơn giản là học về khẩu độ, tốc độ màn trập hay là ISO. Bạn cũng phải học cách để cho chiếc máy ảnh của mình nhận biết được nó phải tập trung vào đo sáng ở đâu trong toàn bộ khung hình còn gọi là chế độ đo sáng.

Chế độ đo sáng nôm na bạn có thể hiểu là cách mà bạn thiết lập cho chiếc máy ảnh của mình nhận biết được là nó cần tập trung vào đâu trong khung hình để thiết lập ánh sáng cho toàn bộ khung ảnh.

Bức ảnh dưới đây được chụp bằng chế độ đo sáng điểm nhưng nếu cùng một khung hình này bạn chụp với chế độ đo sáng toàn khung thì kết quả cho ra 2 bức ảnh sẽ cho ra 2 kết quả cân bằng sáng hoàn toàn khác nhau.

Đo sáng điểm

Để hiểu hơn bạn có thể tham khảo bài viết gốc được đăng trên trang chủ của Canon. Hiểu về chế độ đo sáng cùng là một trong những kiến thức căn bản nhất mà người mới bắt đầu cần nắm vững nó sẽ giúp cho bạn hiểu được vì sao bức ảnh mình chụp ra bị thiếu sáng hoặc thừa sáng.

Hiểu về đo sáng và cách đo sáng trên máy ảnh...

Histograms

Biểu đồ Histograms cho bạn một cái nhìn sâu hơn về phương diện toán học trong tấm ảnh của bạn, qua đó bạn có thể đánh giá được tấm ảnh chụp ra đã được cân bằng sáng tốt hay chưa.

Nó cho bạn biết được những thông tin quan trọng về ánh sáng. Màn hình LCD không thực sự tốt để biểu diễn các thông tin này thông qua cách hiển thị lên hình ảnh. Do hình ảnh hiển thị lên có thể màu đã bị lệnh màu do điều kiện ánh sáng xung quanh bạn hoặc là màn hình cân màu không chuẩn.

Do đó biểu đồ Histagram là một công cụ mạnh mẽ được sử dụng để đánh giá chính xác một bức ảnh. Ngoài việc cân bằng sáng thì biểu đồ Histogram còn được sử dụng để cân bằng và đánh giá màu sắc của một bức ảnh rất hiệu quả.

Biểu đồ Histogram

Chế độ chụp ảnh

Câu hỏi đặt ra là với nhiều chế độ như vậy thì bạn nên dùng chế độ nào trong trường hợp nào la thích hợp nhất?

Có rất nhiều quan niệm sai lầm về việc nên sử dụng chế độ nào trong tình huống nào. Phổ biến nhất đó là sự thiên vị giữa việc sử dụng chế độ chỉnh tay (Manual Mmode) và các chế độ khác. Có nhiều quan niệm rằng chỉnh tay mới là chụp ảnh thực thụ, các chế độ khác chỉ dành cho những tay nghiệp dư mà thôi.

ATL="Các chế độ chụp trên máy ảnh số"

Khi bạn hiểu được chính xác mỗi chế độ dùng để làm gì thì việc này thì việc chọn chế độ nào trong tình huống nào là thích hợp sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Dưới đây là các chế độ bạn cần nắm rõ trước khi làm quen với chiếc máy ảnh:

  • Full-Auto: Tự động hoàn toàn.
  • Program: Là các chế độ được thiết lập sẵn theo máy: thể thao, macro, phong cảnh, chân dung,…
  • Aperture Priority: Ưu tiên khẩu độ
  • Shutter Speed Priority: Ưu tiên tốc độ chụp
  • Manual Mode: Chế độ chỉnh tay

Độ sâu trường ảnh

Khi chúng ta chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu, bạn luôn phải mở khẩu độ ra to hơn để ánh sáng đi vào cảm biến được nhiều hơn. Nhưng điều đó lại dẫn đến một ảnh hưởng khác đó là độ sâu trường ảnh sẽ bị mỏng (nông).

Việc này có thể được sử dụng một cách rất sáng tạo (đôi khi là quá mức) nhưng nó không phải là cách duy nhất. Có rất nhiều trường hợp, ví dụ như chụp ảnh phong cảnh, khi đó bạn cần phải sử dụng một khẩu độ nhỏ để lấy nét được toàn bộ khung hình và lúc này độ sâu trường ảnh sẽ dày hơn cho phép chúng ta ghi lại được nhiều chi tiết hơn.

Tôi sẽ nói rõ về độ sâu trường ảnh hơn trong một bài viết khác ở series này, vì để hiểu rõ hơn về độ sâu trường ảnh bạn cần phải nắm rõ các kiến thức căn bản ở trên trước đã, sau khi đã nắm rõ các kiến thức ở trên thì đây sẽ là phần tiếp theo bạn phải nghiên cứu.

Độ sâu trường ảnh mỏng tạo hiệu ứng xóa phông

Cân bằng trắng

Cân bằng trắng là thứ mà tôi ước gì tôi đã học nghiêm túc ngay từ đầu khi mà tôi nhìn lại những bức ảnh mà tôi đã chụp ở thời điểm hiện tại so với những bức ảnh đầu tiên mà tôi chụp.

Sự thay đổi cân bằng trắng (hay thay đổi nhiệt độ trong bức ảnh) làm thay đổi tông màu của toàn bộ bức ảnh. Nó chịu trách nhiệm cho sự ấm áp của toàn bộ bức ảnh.  Nói một cách dễ hiểu nó quyết định liệu bức ảnh của bạn sẽ trông ám sắc xanh hay sắc cam, lạnh hay nóng.

Việc để chế độ cân bằng trắng tự động không phải lúc nào cũng tốt, vì đến cùng nó cũng chỉ là một chiếc máy không hơn không kém, không phải lúc nào nó cũng hoạt động chính xác. Bạn học được vấn đề này càng sớm thì bức ảnh của bạn sẽ càng chính xác về phương diện mắt nhìn.

Về vấn đề này mình cũng sẽ giải thích chi tiết trong một bài viết liên quan. Ở đây mình chỉ giải thích cho các bạn nắm được khái niệm cơ bản.

Bức ảnh dưới đây được chụp với cân bằng trắng 5500K cho cảm giác khá ấm.

Cân bằng trắng 5500K

Khi điều chỉnh nhiệt độ xuống 4200K, nhiệt độ màu thay đổi cho cảm giác lạnh hơn.

Cân bằng trắng 4200K

Độ dài tiêu cự và những điều cần biết...

Độ dài tiêu cự

mm trên ống kính là gì? Có bao giờ bạn thắc mắc đơn vị “mm” trên ống kính của bạn có ý nghĩa gì không? Hay tại sao người ta thường sử dụng lens có tiêu cự dài để chụp chân dung hay không?

Việc bạn thắc mắc như vậy là cần thiết và sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn vì độ dài tiêu cự không chỉ đơn giản là để “phóng to”. Nó còn ảnh hưởng đến tính chân thực của bức ảnh vì tiêu cự càng ngắn thì ảnh sẽ càng bị méo ở viền.

Về phần này tôi cũng sẽ có bài viết giải thích chi tiết bao phủ toàn bộ dải tiêu cự, chiều dài tiêu cự thích cho từng tình huống nhất định cũng như những ảnh hưởng khác liên quan đến vấn đề tiêu cự của ống kính máy ảnh.

Đây là vấn đề quan trọng tiếp theo bạn cần phải học và tôi cho rằng sau khi đã nắm vững tất cả những phần tôi nêu ở trên thì đây là phần quan trọng cần phải nắm vững để bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Độ dài tiêu cự và vùng nhìn

Lens fix và lens zoom: Nên chọn lens nào?
Chuẩn bị trước khi chụp

Thứ nhất

Kiểm tra hiện trạng máy móc, điều này tuy đơn giản nhưng thường bị nhiều người bỏ qua:

Hãy kiểm tra và vệ sinh bụi ống kính, kiểm tra ống kính có bị dấu vân tay hay bị xước khôngthử zoom vài lần xem có vấn đề gì không. Tiếp theo cần kiểm tra xem pin còn không, nếu có pin dự phòng nhớ mang theo và tiếp đến hãy đảm bảo thẻ nhớ của bạn còn hoạt động tốt và dung lượng vẫn còn đủ lưu trữ và mang theo thẻ dự phòng nếu cần.

Và đừng quên tắt máy khi kiểm tra xong.

kiểm tra vệ sinh, trầy xước

Thứ hai

Kiểm tra các thông số kỹ thuật máy. Xem lại các thiết lập của máy, kiểm tra White Balance (nếu vẫn chưa nắm hãy để auto). Hãy để chất lượng ảnh cao nhất có thể và ISO thấp nhất, nó sẽ giúp ít cho việc hậu kỳ.

Và cuối cùng hãy bật các tính năng hỗ trợ cần thiết như chống rung, tăng độ sắc nét, bão hòa …

Thứ ba

kiểm tra thông số kỹ thuật chụp ảnh. Hãy đảm bảo rằng bạn để đúng “mode” cần sử dụng. Trừ những bạn để chế độ Full – Auto thì nên điều chỉnh về chế độ chụp phù hợp. Tiếp theo hãy kiểm tra chế độ đo sáng, nếu máy đang ở chế độ Spot thì tốt nhất nên đổi sang chế độ khác vì sử dụng chế độ này đòi hỏi kỹ năng sử dụng khá cao.

Kiểm tra thông số chụp ảnh

Kiểm tra chế độ lấy nét, nên xem mình đang ở chế độ tự động hay “quay tay” và chọn chế độ phù hợp nhé. Cuối cùng hãy đảm bảo Ev đã ở vị trí 0.

Cầm máy cơ bản

Kỹ năng cầm máy

Ở phần này mình sẽ nói về tư thế cầm máy ảnh. Nguyên tắc cầm máy là cầm thế nào cho hạn chế rung lắc một cách tối ưu nhất để bức ảnh được nét nhất có thể, mặc dù một số máy có hỗ trợ chống rung nhưng chỉ giảm được phần nào nên bạn phải có kỹ năng cầm máy sao cho hạn chế được sự rung lắc vì không phải lúc nào bạn cũng mang chân máy theo bên cạnh được.

Dưới đây là một số cách cầm máy đúng và sai ở các tư thế chụp khác nhau:

nhiep anh

Tư thế cầm máy khi nhìn chính diện.

Tư thế đứng cầm máy, nhìn nghiêng

Tư thế cầm máy khi nhìn từ bên hông, vai và lưng nên thẳng khi chụp.

Tư thế đứng cầm máy, có điểm tựa

Khi cần giữ máy cố định mà không có chân máy.

Tư thế ngồi cầm máy

Cách cầm máy khi ngồi.

Tư thế nằm cầm máy

… và khi nằm. 

Về cơ bản bạn cần tạo một điểm tựa vững chắc để đặt máy sẽ giảm được sự rung lắc.

Kỹ năng bấm máy

Nghe như đùa nhưng bấm máy cũng cần phải có kỹ năng đấy. Không phải như trên điện thoại bạn chỉ cần bấm 1 phát là có ảnh ngay. Quá trình bấm nút chụp trên máy ảnh có thể được chia thành 2 giai đoạn như sau:

Báo hiệu lấy nét xong

  • Giai đoạn 1: Bấm nhẹ nút chụp xuống khoảng 1/2 quãng đườnggiữ để máy tự động chỉnh nét và đo sáng theo điểm lấy nét đã thiết lập, thường sẽ trong thời gian rất ngắn và dài ngắn khác nhau tùy dòng máy, đến khi nghe tiếng “bíp” và đèn tín hiệu AF (Auto Focus) xanh sáng.
  • Giai đoạn 2: Công việc còn lại là bấm cho nút chụp đi hết nửa quãng đường còn lại để chụp.

Nếu đèn AF nhấp nháy hoặc màu vàng thì máy không lấy nét được, lúc này bạn nên điều chỉnh lại khoảng cách, ánh sáng hoặc các thông số kĩ thuật khác của máy để thực hiện việc lấy nét.

Đó là kỹ thuật đối với chế độ tự động lấy nét, còn trường hợp lấy nét bằng tay MF thì bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu rõ khi nào nên sử dụng chế độ này. Vì thực tế đa số các trường hợp người ta thường sử dụng chế độ Auto nhiều hơn.

Kỹ năng lấy nét

Mình xin nhấn mạnh với những ai tập chụp thì kỹ năng lấy nét là vô cùng quan trọng. Một tấm hình bị thừa sáng hay hơi tối thì có thể cứu được bằng hậu kỳ nhưng một bức ảnh mất nét thì vô phương cứu chữa. Đối với chế độ lấy nét Manual thì chỉ cần xoay vòng nét đến khi nào vừa ý bạn thì bấm chụp (nói thì đơn giản nhưng thực hành không đơn giản như bạn nghĩ). Các bạn nên sử dụng chế độ này trong những trường hợp cụ thể như sau:

  • Tương phản yếu hoặc không có giữa chủ thể và phông nền. Ví dụ: Màu trang phục của mẫu trùng với màu của phông nền.
  • Chủ thể nằm sau nhiều lớp tiền cảnh. Ví dụ: Chủ thể nằm sau song sắt (các con vật trong sở thú).
  • Chủ thể là các đường nét hình học đều đặn. Ví dụ: Các cửa sổ của các tòa nhà cao tầng, các công trình kiến trúc.
  • Giữa vùng chỉnh nét và phần còn lại trong khung ảnh có độ tương phản quá lớn. Ví dụ: Khi bạn đứng chụp dưới trời nắng gắt.
  • Khi chủ thể có kích thước quá bé (bé hơn vùng lấy nét). Ví dụ: Khi bạn muốn chụp với một công trình kiến trúc đồ sộ và bạn đứng rất xa máy ảnh.
  • Khi chủ thể có chi tiết quá nhỏ, khó phân biệt. Ví dụ: Một bông hoa giữa cánh đồng hoa sự tương phản là không rõ rệt.

Mình sẽ nói chủ yếu ở đây là chế độ Auto. Các nhà sản xuất thường khẳng định rằng máy ảnh của họ được trang bị AI có thể tự nhận diện chủ thể và bắt nét hoàn hảo. Điều này có thể chính xác trong một số trường hợp, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu như bạn tin tưởng hoàn toàn vào những điều đó đặc biệt là trong một khung cảnh rộng với nhiều chủ thể.

Lấy nét trung tâm

Đối với người mới thì mình khuyên các bạn nên để điểm lấy nét ở trung tâm vì như phần kỹ năng bấm máy cho đến khi nghe tiếp “bíp” và đèn báo hiệu màu xanh thì lúc đó bạn đã lấy nét xong, khi đó tại điểm bạn lấy nét vẫn sẽ nét nếu bạn dịch chuyển khung hình miễn là bạn vẫn giữ nút chụp ở 1/2 quãng đường. Bạn cứ lấy nét ở trung tâm rồi căn chỉnh bố cục sau cũng được. Khi nào thành thục rồi thì có thể lấy nét ở điểm nào tùy ý.

Lấy nét sau đó chỉnh khung

Một lưu ý là bạn không nên quá vội vàng mà bấm một lần hết quãng đường của nút chụp vì thường thì sẽ cho ra những bức ảnh không đỡ nổi. Máy ảnh vẫn chỉ là một cỗ máy thông thường và nó cần thời gian để xử lý, bạn phải tôn trọng nguyên tắc này.

Một số bố cục thông dụng

Để tiến bộ thì không còn cách nào khác là thực hành, lý thuyết chỉ giúp bạn thực hành mau tiến bộ hơn. Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã từng nói 10 nghìn bức ảnh đầu tiên bạn chụp chỉ là để thực hành, nhưng không có nghĩa bạn chụp hết 10 nghìn bức ảnh kia thì sẽ chụp ảnh đẹp như bao nhiếp ảnh gia.

Việc nắm chắc bố cục trong nhiếp ảnh sẽ giúp bạn thực hành tốt hơn, sẽ giúp cho bạn có nhiều ý tưởng hơn khi bấm máy. Dưới đây là những bố cục quen thuộc mà hầu như ai chụp ảnh cũng phải nắm được.

Bố cục một phần ba

Đây được xem là bố cục kinh điển nhất trong nhiếp ảnh. Dùng các đường thẳng chia bức ảnh thành 3 phần bằng nhau cả chiều ngang lẫn chiều dọc.

Bố cục 1/3

Các điểm giao nhau được gọi là các “điểm mạnh” còn các đường thẳng được gọi là các “đường mạnh”. Theo các nghiên cứu thì chủ thể được đặt trên các “điểm mạnh” “đường mạnh” này sẽ tập trung được sự chú ý hơn.

Ảnh bố cục 1/3

Thông thưởng đa số máy ảnh đều có sẵn các đường này trên màn hình và kính ngắm để bạn có thể căn chỉnh phù hợp.

Crop 1/3

Hoặc các bạn cũng có thể chụp sao cho chủ thể nét rồi về crop lại cũng được.

Bố cục đường dẫn

Quy tắc này cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần tìm những đường thẳng ngoài tự nhiênđặt chủ thể vào đường dẫn này. Thông thường khi nhìn vào một bức ảnh người ta sẽ chú ý đên các chi tiết hình học trong bức ảnh nên đặt chủ thể trong các đường này sẽ điều ánh mắt của người xem đến chủ thể.

Đường dẫn

Chúng ta cũng có thể kết hợp với quy tắc một phần ba ở trên để tạo ra được những bức ảnh ấn tượng.

Đường dẫn kết hợp 1/3

Bố cục khung trong khung

Bố cục này đơn giản chỉ là tìm các khung và viền trong tự nhiên đặt chủ thể bạn định chụp vào đó, cách chụp này sẽ tạo thêm được chiều sâu cho bức ảnh.

Khung trong khung

 Bạn có thể tìm các khung cửa sổ, của ra vào hay bất kỳ khung cảnh nào có thể làm khung hay viền được.

Khung trong khung cửa sổ

Bố cục đôi mắt trọng tâm

Đơn giản là đặt mắt trái hoặc phải vào ngay trung tâm của bức ảnh, cách chụp này thường được áp dụng với ảnh chân dung hoặc chụp động vật, cách chụp này lột tả được những đường nét trên khuôn mặt của chủ thể và khá dễ chụp.

Bố cục mắt trung tâm - động vật

Đối với kiểu chụp này bạn nên chụp cận cảnh.

Bố cụ mắt trọng tâm - chân dung

Bố cục sự lặp lại

Những chi tiết lặp đi lặp lại sẽ là một phông nên hoàn hảo cho bức ảnh của bạn cho cảm giác thị giác ấn tượng và gần gũi hơn.

Bố cục sự lặp lại

Chủ thể của bạn sẽ là sự tương phản trong phông nên lặp đi lặp lại kia. Khi đó chủ thể sẽ được nhấn mạnh hơn.

ATL="Bố cụ sự lặp lại - phông nền hoa"

khang

Trên đây là tất cả những khái niệm cơ bản nhất mà bất kỳ ai muốn làm quen với chiếc máy ảnh kĩ thuật số đều phải nắm rõ để chụp được một bức ảnh ưng ý. Khá lằng nhằng phải không? Bạn đừng lo! Đó là vấn đề không chỉ của riêng bạn mà bất kỳ ai khi bước vào con đường này đều phải nắm vững.

Bài viết dựa trên những kinh nghiệm thực tế của mình cùng với những kinh nghiệm được các đàn anh chia sẻ và tham khảo từ các diễn đàn nhiếp ảnh, bạn nào là dân chuyên nghiệp nếu thấy thiếu sót hãy thông cảm và để lại góp ý trong phần bình luận bên dưới nhé.

Đừng quên: Thực hành, không ngại khó và tiến bộ! 

Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

Khang

Contact me: designmylife.hk@gmail.com

Phạm Khang
Phạm Khang

Chào mọi người, mình là Khang, là dân IT, sở thích của mình là Street Workout, Du lịch, và Nhiếp ảnh. Phương châm viết bài của mình là cung cấp thông tin đến với tất cả mọi người một cách dễ hiểu nhất. Hy vọng những bài viết của mình có thể giúp ích được cho mọi người !

Theo dõi
Thông báo
guest

7 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Đánh giá
Inline Feedbacks
View all comments
Thủ thuật máy tính - Tin học dành cho bạn
Logo