Nhiếp ảnh cơ bản: Đôi điều về bố cục trong nhiếp ảnh

Tuy rằng nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật của sự sáng tạo nhưng nói đi cũng phải nói lại, sáng tạo thì không có nghĩa là cứ đưa máy ra chụp không giống ai thì gọi sáng tạo. Bạn vẫn phải có cơ sở để đưa ra sự sáng tạo của mình, nó thể hiện ẩn ý và câu chuyện mà người chụp muốn truyền đạt và những yếu tố để người chụp thể hiện được ý đồ của mình đó là bố cục.

Không phải lúc nào cũng phải tuân theo các quy tắc bố cục nhưng đa phần chúng ta khi biết đến nhiếp ảnh đều biết đến bố cục và rất rất nhiều bức ảnh chúng ta chụp ra đều tuân theo một quy tắc bố cục nhất định nào đó mà có thể bạn đã quen tay rồi nên không để ý mình vừa áp dụng nó.

Nói đến bố cục trong nhiếp ảnh thì những người mới chụp ảnh hẳn rất trăn trở vì không đơn giản chỉ có bố cục 1/3 hay bố cục trung tâm mà còn có rất nhiều điều khác xung quanh vấn đề bố cục. Để giúp các bạn không phải băn khoăn về vấn đề này nửa mình sẽ viết về vấn đề này với góc độ là một người mới tiếp cận với nhiếp ảnh để bạn có được một sự nhìn nhận rõ hơn.

Nào chúng ta cùng đi vào bài viết thôi!

NIKON Z 7 + NIKKOR Z 14-30mm f/4 S @ 14mm, ISO 400, 1/6, f/13.0

NIKON Z 7 + NIKKOR Z 14-30mm f/4 S @ 14mm, ISO 400, 1/6, f/13.0

Bố cục là một chủ đề nếu nghiên cứu kỹ bạn sẽ thấy nó không đơn giản là việc đưa máy lên và chụp. Nếu bạn muốn chụp một bức ảnh thật ấn tượng, một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là bố cục. Tuy nhiên, đa số các nhiếp ảnh gia khi mới bắt đầu chụp ảnh đều bắt đầu chỉ với quy tắc một phần ba, và cứ như thế họ không chịu nghiên cứu sâu hơn về bố cục.

Và chưa muộn đâu, dù bạn đã chụp ảnh lâu năm hay mới bắt đầu học chụp thì việc biết về những điều mình sắp đề cập tới đây trong bài viết cũng sẽ giúp ích cho việc chụp ảnh của bạn.

Bố cục là gì?

Bố cục có thể gọi là một “kiến trúc” trong nhiếp ảnh, đó là cách bạn sắp xếp các yếu tố trong bức ảnh để tạo nên bức ảnh của riêng bạn, đương nhiên bạn có thể tạo nên một kiệt tác hoặc là một bức ảnh không có nhiều giá trị tùy theo cách mà bạn sắp xếp. Nếu bạn bắt gặp được một cảnh tượng đặt biệt hoặc một khung cảnh hiếm có thì bất kể là điều kiện ánh sáng có tốt hay không, hay đó là một điều kiện khó chụp đi chăng nửa thì bạn vẫn có thể sắp xếp mọi thứ để tạo ra một bức ảnh đẹp.

Chụp ảnh không chỉ là đứng yên một chỗ và bấm máy, bạn có thể di chuyển lại gần, ra xa, sang trái và sang phải để thay đổi bố cục và có được một tấm ảnh như ý, và đương nhiên bạn cũng có thể sử dụng tính năng zoom của chiếc lens để thay đổi bố cục.

Hãy chú ý các chủ thể xuất hiện trong bức ảnh, bạn có ý định đưa chủ thể nào vào khung hình và chủ thể nào thì không, hãy sắp xếp các chủ thể đó một cách hợp lý là sao thu hút được người nhìn càng hiệu quả càng tốt và bố cục sẽ giúp bạn làm được việc này, nó là một phương tiện để bạn có thể truyền đạt thông điệp của mình đến với người xem.

NIKON D7000 + 24mm f/1.4 @ 24mm, ISO 250, 1/200, f/7.1

NIKON D7000 + 24mm f/1.4 @ 24mm, ISO 250, 1/200, f/7.1

Điều gì tạo nên bố cục của một bức ảnh

Các đường và các đặc điểm hình học trong bức ảnh

Về cơ bản, những điều này chỉ là những yếu tố tạo nên bố cục thôi. Bất cứ điều gì trong bức ảnh của bạn – hậu cảnh, những chi tiết nhỏ thì mình không nói đến  – thì chúng đều là các điểm, các đường hoặc là một hình dạng hình học nào đó.

Một số trong những yếu tố nói trên rất phức tạp ví dụ như một khuôn mặt chẳng hạn nó được kết hợp lại bởi rất nhiều đường nét, hay một ví dụ khác là một cái cây chẳng hạn, đó không phải là những chủ thể đơn giản. Nhưng tất cả chúng đều có một hình dạng nhất định, và những chủ thể này có thể là yếu tố để tạo nên một bức ảnh.

Khi xét đến các yếu tố riêng lẻ, bố cục ở đây cũng có thể là cách mà các yếu tố này tương tác với nhau. Một vài yếu tốt trong bức ảnh được sắp xếp một cách hợp lý, tạo điểm nhấn hơn các phần còn lại. Nói thì có vẻ khó hiểu nên mình sẽ đưa ra một ví dụ như dưới đây.

Dựa trên những đường nét bạn có thể các đường này phối hợp với nhau tạo nên một sự cân bằng cho bức ảnh, sự cân bằng sẽ tạo nên cảm giác dễ chịu cho người xem.

Bức ảnh tiếp theo với những đường nét sống động hơn, với những đường chéo cắt ngang khung hình.

Bức ảnh cuối cùng là hình ảnh một tảng băng trôi, như bạn có thể thấy những đường nét trong bức ảnh vô tình tạo nên một đa giác ở giữa bức ảnh.

Nếu tách độc lập các đường nét kia ra một bức ảnh riêng thì các bạn vẫn cảm nhận được sự cân bằng trong bức ảnh, và đương nhiên những bức ảnh gốc cũng có cảm giác cân bằng tương tự.

Có phải bạn nghĩ là khi đưa máy lên chụp là phải hình dung trong đầu những đường nét như trong bức ảnh không, đó cũng là một ý tưởng hay và nên áp dụng, hãy tận dụng khả năng tưởng tượng của bộ não.

Chủ ý của người chụp

Bí mật lớn nhất của bố cục không phải là bạn nên tuân theo những quy tắc đã được định sẵn (như quy tắc 1 phần 3 chẳng hạn). Thay vào đó, điều quan trọng nhất khi quyết định bố cục đó là chủ ý của người chụp.

Chủ đích của người chụp là phần quan trọng nhất của bố cục. Không ai giơ máy lên chụp mà không có mục đích cả. Tất cả mọi thứ đều có lý do để tồn tại, hãy nhớ điều này bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và tiến bộ nhanh chóng hơn.

Canon 700D + 50 STM, f/3.2, 1/800s, ISO 100

Canon 700D + 50 STM, f/3.2, 1/800s, ISO 100

Ví dụ như bức ảnh ở trên, chủ ý của mình là chụp được một bức ảnh tự nhiên nhất của chủ thể, đơn giản mình đặt chủ thể ở giữa bức ảnh và chụp thôi, việc bố cục có thể sáng tạo miễn là thể hiện được ý đồ của người chụp.

Sự đơn giản

Mỗi bức ảnh đều mang một thông điệp nào đó từ tác giả. Khi bạn chụp một bức ảnh, một trong những điều quan trọng nhất là bạn muốn thể hiện điều gì qua bức ảnh của mình và thể hiện nó như thế nào. Đó là lúc nguyên tác sự đơn giản phát huy được tác dụng của nó.

Sự đơn giản có nghĩa là trong bức ảnh của bạn không có các yếu tố bị nhiễu, làm cho người xem hiểu sai hoặc không hiểu thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Nếu bạn đang cố gắng đưa tới người xem một  bức ảnh với cảnh vật xinh đẹp thì hãy cố gắng loại bỏ những thứ không liên quan đi, đó có thể là một cành cây xơ xác chắn ngang khung hình, một cây cột điện hay rác chẳng hạn.

Một điều nửa mình lưu ý khi bố cục một bức ảnh đó là đừng đưa quá nhiều thứ vào khung hình khiến cho bức ảnh mang quá nhiều thông tin, trừ khi mục đích của bạn là cho người xem thấy được một cái nhìn toàn cảnh, hoặc nhấn mạnh sự lộn xộn của bức ảnh..

Canon 700D + 55-250mm, f/5.6, ISO 100, 1/1000s, 250mm

Canon 700D + 55-250mm, f/5.6, ISO 100, 1/1000s, 250mm

Như bức ảnh ở trên của mình, bạn có thể thấy là không có yếu tố nào làm sao nhãn người xem, mọi thứ xuất hiện trong bức ảnh đều có lý do.

Sự cân bằng

Một trong những yếu tố đầu tiên cần phải cân nhắc đó là sự cân bằng trong bức ảnh. Quy tắc này thật ra cũng dễ thôi, bạn cần xác định là có bao nhiêu sự chú ý được đặt vào các chủ thể trong bức ảnh của mình gọi là “sức nặng” của chủ thể trong bức ảnh.

Đó là những chủ thể sáng hơn, có màu sắc rực rỡ hơn, đôi mắt , con người những vùng có tương phản cao hay những thứ bất thường xuất hiện trong khung ảnh tạo thành điểm nhấn – đó là sức nặng thuộc về góc nhìn chứ không phải đơn thuần là sức nặng vật lý.

Có thể đặt hiểu đơn giản là có một các chân ảo ở dưới dáy của bức ảnh như hình dưới đây. Nếu sức nặng chia đều đó gọi là một bức ảnh cân bằng còn nếu nó lệch về phía bên trái hoặc bên phải thì đó gọi là một bức ảnh không cân bằng (đương nhiên là mỗi kiểu sẽ thể hiện một ý đồ riêng không cái nào quan trọng hơn).

Sự cân bằng của bố cục

Sự cân bằng của bố cục

Nó giống như việc chơi bập bên vậy, nếu bạn muốn cân bằng lại bức ảnh, hãy đặt những chủ thể có sức nặng hơn ở gần trục giữa và những vật có sức nặng “nhẹ hơn” nằm ở xa trục trung tâm hơn để tạo lại sự cân bằng cho bức ảnh. Như việc chơi bập bên vậy nếu 2 người có trọng lượng khác nhau để cân bằng được thì người nặng hơn phải ở gần điểm ở trung tâm hơn còn người nhẹ hơn thì phải ở xa trung tâm hơn. Hãy nhìn vào bức ảnh dưới đây.

NIKON D800E + 105mm f/2.8 @ 105mm, ISO 400, 1/800, f/2.8

NIKON D800E + 105mm f/2.8 @ 105mm, ISO 400, 1/800, f/2.8

Chú chuồn chuồn dưới đây là chủ thể chính nên có sức nặng nhất trong bức ảnh, còn bụi cỏ nằm ở góc phải không phải là chủ thể chính nên “nhẹ” hơn chú chuồn chuồn do vậy ta đặt chú chuồn chuồn ở gần trung tâm và bụi cỏ thì ở gần ngoài góc của bức ảnh. Cho nên có thể nói bức ảnh ở trên là một bức ảnh cân bằng.

Trong nhiếp ảnh, bức ảnh bạn chụp ra luôn luôn thuộc 2 trường hợp hoặc là cân bằng hoặc là không cân bằng. Và không có cái nào ưu tiên trong các trường hợp khác nhau, mỗi loại sẽ mang lại một ý đồ khác nhau:

  • Cân bằng: Mang lại cảm giác yên bình, tĩnh và ắng.
  • Không cân bằng: Mang lại cảm giác kịch tính, huyên náo và chuyển động.

Nếu bạn muốn ghi lại cảnh mặc trời mục yên bình trên biển, bạn hãy sử dụng một bố cục cân bằng sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Điều đó phụ thuộc vào thông điệp mà bạn muốn truyền đạt đến người xem, và đương nhiên bạn vẫn có thể sử dụng bố cục không cân bằng.

NIKON D5100 + 18-55mm f/3.5-5.6 @ 32mm, ISO 100, 6 seconds, f/22.0

NIKON D5100 + 18-55mm f/3.5-5.6 @ 32mm, ISO 100, 6 seconds, f/22.0

Ví dụ như bức ảnh bên trên, đó là một bức ảnh không cân bằng với sức nặng nghiêng về phía bên trái, cho ta cảm giác chuyển động và kịch tính, nó đã phát huy tốt việc thể hiện ý đồ của tác giả đến người xem.

“Không gian” – breathing space

Khi có nhiều hơn một chủ thể cần nhấn mạnh trong bức ảnh, bạn cần phải chừa ra một khoảng không gian giữa các chủ thể với nhau. Nếu không, các yếu tố sẽ can thiệp vào nhau gây giảm sự chú ý đối với người xem và khiến cho bức ảnh của bạn bị mắc lỗi bố cục không được tổ chức chặt chẽ.

Hãy nhìn bức ảnh trên có vài chú chim đang bay lượn trên bầu trời, và bạn muốn chụp cả 3 trong một bức ảnh duy nhất. Nếu có một chú chim bay ngay trước mặt một chú còn lại thì bức ảnh sẽ trông lộn xộn và không gây được sự chú ý. Tốt nhất, là hãy đợi lúc các chủ thể cách nhau một khoảng không nhất định để chúng có “không gian thở” giữa các chú chim (điều này phụ thuộc vào yếu tốt khoảnh khắc) và giữa chủ thể với các cạnh của khung hình.

Tương tự nếu bạn chụp một đỉnh núi, cố gắng đừng để cả ngọn núi bị gói gọn trong một khung hình, đỉnh núi thì chạm vào khung trên của bức hình. Hãy tìm một góc có thể chừa được một khoảng không gian để chủ thể không bị cản trở, nếu không sự chú ý sẽ bị phân tán vào những chủ thể khác có được khoảng không trong bức ảnh (người ta sẽ chú ý vào thân của ngọn núi chẳng hạn). Cho nên hãy chú ý về không gian trong bức ảnh,nó giúp thông điệp bạn muốn truyền tải tới người xem dễ dàng hơn.

NIKON D800E + 70-200mm f/4 @ 175mm, ISO 200, 1/25, f/5.6

NIKON D800E + 70-200mm f/4 @ 175mm, ISO 200, 1/25, f/5.6

Như bức ảnh trên đây không có chủ thể quan trọng nào bị các cạnh khung chiếm khoảng không gian và chủ thể chính (chú dê núi) có một khoảng không gian rộng lớn..

Họa tiết và mối quan hệ giữa các chủ thể

Trong một số trường hợp nếu để ý bạn có thể chụp được những bức ảnh với các họa tiết khác biệt và các chủ thể có mỗi quan hệ với nhau hơn là thay vì những bức ảnh tuân theo nguyên tắc đơn giản – đôi khi điều này thuộc về yếu tố khoảnh khắc, bạn không thể tự tạo ra được, điều đó khiến cho những bức ảnh này co một giá trị đặt biệt.

Ví dụ, bạn có thể chụp một bức ảnh phong cảnh với một bông hoa màu cam ở tiền cảnh, phía giữa là một quả đồi và hậu cảnh là sắc cam của bầu trời khi mặt trời đang lặn. Những yếu tố tưởng chừng như rời rạc lại có một mối liên quan đầy nghệ thuật với nhau.

Với chủ để mối quan hệ giữa các chủ thể, đây là chủ đề bất tận mà các nhiếp ảnh gia có thể thỏa thích sáng tạo tùy theo cảm nhận nghệ thuật của mỗi người. Và mỗi bức ảnh như vậy đều có những mỗi quan hệ đặc biệt tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh mẽ cho người xem.

Hãy nhìn vào bức ảnh bên trên, bạn thấy điều gì đặt biệt không. Hãy để ý các họa tiết được tạo nên từ những khối đá không bị phủ tuyết của quả đồi, vô tình tạo thành các đường màu đen các đường này có họa tiết tương tự như hình các họa tiết nổi của đám mây vô tình khiến cho đỉnh đồi trở thành điểm ngăn cách giữa 2 dãy họa tiết và đánh mạnh vào thị giác người xem. Tưởng như đây là một bức ảnh bình thường nhưng nó được đánh giá khá cao vì tính nghệ thuật của nó

Lời kết

Không phải mình đang cố giải thích cho các bạn là bố cục thật ra rất đơn giản. Trong một số trường hợp bạn không thể nào bố cục được bức ảnh của mình một cách hợp lý được. Thậm chí là những nhiếp ảnh gia nổi tiếng và tài giỏi nhất cũng không thể nào làm chủ hoàn toàn được việc bố cục, bởi vì bố cục nếu nghiên cứu sâu không phải là một thứ có thể bạn có thể làm chủ hoàn toàn được.

Bố cục hoàn hảo là một cái đích mà bạn có thể đạt được với tài năng và làm việc chăm chỉ được, nó là một chủ đề rất lớn và ngày càng được mở rộng cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học công nghệ, điều quan trọng là bất kể bạn sử dụng bố cục như thế nào miễn là bạn thể hiện được thông điệp xuất hiện trong đầu bạn khi đứng trước khung cảnh trước mắt. Còn cách thể hiện còn tùy thuộc vào mỗi người, không có một quy tắc nào bó buộc bạn cả, nhưng hãy nhớ một số lưu ý để thể đảm bảo rằng thông điệp của bạn đến với người xem một cách dễ hiểu nhất.

Thật không may khi nói điều này với các bạn là:

Chỉ ngồi ở nhà và đọc những bài viết như thế này thì bạn không thể tiến bộ nhanh được đâu, hãy mang máy và đi chụp, thực hành! Đó sẽ là điều giúp bạn tiến bộ nhanh hơn. Bài viết này sẽ giúp bạn định hướng được là nên thực hành thế nào, để các ban có được cơ sở để không bị sa vào những lỗi kinh điển mà nhiều người mắc phải.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có được một cái nhìn mới về bố cục, nó không chỉ gói gọn trong quy tắc một phần ba hay quy tắc trọng tâm… Bố cục là một trong những yếu tố quan trọng nhất để có được một bức ảnh đẹp. Nó chính là yếu tố giúp cho những bức ảnh của bạn trở nên khác biệt bất kể bạn sử dụng thiết bị nào đi chăng nửa từ điện thoại cho đến máy ảnh kỹ thuật số.

Một chia sẻ riêng của bản thân mình đó là trước khi rước chiếc máy ảnh đầu tiên về thì mình học về bố cục đầu tiên và áp dụng nó với những bức ảnh chụp với điện thoại. Xuất phát với bố cục đầu tiên sẽ giúp bạn có được những bức ảnh chuẩn chỉnh, và bén rễ cho đam mê của mình và quyết định mua chiếc máy ảnh và việc thực hành sau đó của mình trở nên thú vị hơn rất nhiều.

Trên đây là những chia sẻ của mình về bố cục. Nếu thấy hay hãy chia sẻ và để lại ý kiến trong phần bình luận. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết!

Bài viết này mình lấy ý tưởng từ một bài viết mà mình thấy rất hay của nhiếp ảnh gia Cox, bạn có thể xem bài viết gốc tại đây.

Phạm Khang
Phạm Khang

Chào mọi người, mình là Khang, là dân IT, sở thích của mình là Street Workout, Du lịch, và Nhiếp ảnh. Phương châm viết bài của mình là cung cấp thông tin đến với tất cả mọi người một cách dễ hiểu nhất. Hy vọng những bài viết của mình có thể giúp ích được cho mọi người !

Theo dõi
Thông báo
guest

1 Comment
Mới nhất
Cũ nhất Đánh giá
Inline Feedbacks
View all comments
Thủ thuật máy tính - Tin học dành cho bạn
Logo