Nhiếp ảnh cơ bản: Độ dài tiêu cự và những điều cần biết

Chào các bạn, chúng ta tiếp tục với series nhiếp ảnh căn bản, tạm dừng chuỗi bài viết  liên quan đến máy ảnh hôm nay chúng ta sẽ đổi gió sang ống kính máy ảnh, có máy ảnh mà không có ống kính quả là thiếu sót đúng không. Khi nhắc đến ống kính người ta thương chú ý đến tiêu cự và khẩu độ mở, khẩu độ mở mình đã có một bài viết, các bạn có thể tìm lại ở bài trước, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về tiêu cự ống kính và tập trung chính vào vấn đề độ dài tiêu cự và các yếu tố liên quan.

Có khá nhiều người hiểu sai về khái niệm độ dài tiêu cự. Không như suy nghĩ của một số người, độ dài tiêu cự của ống kính không phải là kích thước vật lý của ống kính và nó cũng ít liên quan đến kích thước tổng thể của nó. Vậy như thế nào mới là đúng? Trong bài viết này, mình sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi đó và thảo luận về cách xác định tiêu cự nào phù hợp với phong cách chụp ảnh của bạn.

Tiêu cự ống kính là gì?

Khi nghe từ tiêu cự hẳn bạn nghĩ ngay đến tiêu cự trong vật lý đúng không? Độ dài tiêu cự của ống kính là một tính chất quang học của ống kính nhưng mình sẽ không nói nhiều về vật lý ở đây, đây là topic về nhiếp ảnh.

Hiểu đơn giản tiêu cự ống kính là một đơn vị đo, tính bằng milimét, khoảng cách giữa tâm quang của ống kính và cảm biến máy ảnh (hay mặt phẳng phim). Các ống kính được đặt tên theo độ dài tiêu cự của chúng và bạn có thể tìm thấy thông tin này trên thân của ống kính. Ví dụ: Ống kính 50 mm có tiêu cự 50 mm.

Một ống kính 50mm

Một ống kính 50mm

Trong định nghĩa về độ dài tiêu cự, mình đã đề cập đến tâm quang học của máy ống kính. Bạn có thể thắc mắc đây là gì, một ống kính máy ảnh không được làm từ một tấm kính duy nhất. Thay vào đó, nó là sự kết hợp của các thành phần thấu kính và các nhóm yếu tố. Những kết hợp này giúp tập trung ánh sáng và làm giảm các biến dạng.

Vị trí nơi tất cả các tia sáng hội tụ để tạo thành một hình ảnh sắc nét được gọi là trung tâm quang học của ống kính.

Độ dài tiêu cự là một thuộc tính của chính ống kính, không phải máy ảnh. Điều mình muốn nói ở đây là một chiếc ống kính 50 mm là vẫn là một ống kính 50 mm, bất kể đó là một chiếc máy sử dụng cảm biển full-frame hay sử dụng cảm biến crop. Tuy nhiên, kích thước của cảm biến đóng một vai trò quan trọng quyết định khung ảnh của bạn, mình sẽ nói kỹ hơn vấn đề này ở phần dưới.

Độ dài tiêu cự

Độ dài tiêu cự

Trên là định nghĩa về tiêu cự, nó có thể quan trọng với một số người (nhà sản xuất chẳng hạn), nhưng đối với nhiếp ảnh gia thì điều đó không mấy quan trọng, nhưng biết được thì càng tốt đúng không… Điều quan trọng hơn cần phải nhớ là tiêu cự cho chúng ta biết những gì liên quan đến bức ảnh của bạn.

Độ dài tiêu cự mô tả góc nhìn của ống kính, nó cho chúng ta biết được là bao nhiêu cảnh vật sẽ lọt vào khung ảnh của chúng ta. Ngoài ra nó còn cho chúng ta biết tỉ lệ của vật thể so với kích thước thật ngoài đời. Các đối tượng xuất hiện lớn hơn bằng cách sử dụng ống kính tiêu cự dài hơn so với việc chúng nhìn bằng mắt thường.

Tiêu cự của ống kính càng dài thì góc nhìn của nó càng hẹp. Mặt khác, các ống kính có độ dài tiêu cự ngắn sẽ có góc nhìn rộng hơn nhiều. Do đó, các vật thể sẽ trông nhỏ hơn so với góc nhìn của mắt chúng ta..

Độ dài tiêu cự và vùng nhìn

Độ dài tiêu cự và vùng nhìn

Hãy nhìn vào bức ảnh minh họa bên trên. Theo Nikon, ống kính 500 mm f / 5.6 của họ có góc ngắm 5 độ, trong khi ống kính 50 mm f / 1.4 của họ có góc ngắm 46 độ. Và cuối cùng, ống kính 20 mm f / 1.8 của họ có góc ngắm 94 độ.

Như bạn có thể thấy, ống kính 500 mm với tiêu cự dài hơn sẽ có một góc nhìn hẹp hơn nhiều. Kết quả là, ta chỉ chụp được một phần của chiếc thuyền được ghi lại trong một shot chụp.

Mặt khác, ống kính 50 mm có góc ngắm rộng hơn, đứng ở cùng một vị trí, bạn có thể chụp được một phần rộng hơn của cảnh trong bức ảnh, bao gồm một số thuyền và nhiều chiếc thuyền khác.

Tuy nhiên, với ống kính 20 mm, bạn có thể chụp toàn bộ khung cảnh trong một khung hình duy nhất rất hay đúng không, nhưng mỗi loại sẽ có ưu nhược điểm riêng, hãy tiếp tục nhé!

Vùng nhìn và quy đổi các giá trị tiêu cự

Các thuật ngữ “Góc nhìn” “Vùng nhìn” thường được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, như mình đã nói ở trên, góc ngắm là một thuộc tính quang học của ống kính. Nó không thay đổi bất kể loại máy ảnh nào đang được sử dụng. Mặt khác, vùng nhìn là kết quả của sự kết hợp ống kính / máy ảnh.

Vùng nhìn không chỉ phụ thuộc vào độ dài tiêu cự của ống kính mà còn cả kích thước cảm biến của máy ảnh. Tức là cùng một tiêu cự với các máy ảnh có kích thước cảm biến khác nhau thì góc nhìn vẫn như nhau nhưng vùng nhìn sẽ khác nhau. Máy ảnh full frame có cảm biến có cùng kích thước với tấm phim âm bản 35 mm (36 mm x 24 mm). Nghe hơi lạ nhưng hẳn các bạn đã thấy qua nó rồi:

Cuộn film âm bản 35mm

Cuộn film âm bản 35mm

Tuy nhiên, các loại máy ảnh kỹ thuật số ngày nay đi kèm với một loạt các kích cỡ cảm biến tùy thuộc vào nhà sản xuất và mẫu mã máy ảnh. Các cảm biến nhỏ hơn cảm biến full-frame được coi là cảm biến crop. Thuật ngữ này xuất phát từ thực tế là những cảm biến nhỏ hơn này sẽ nhìn thấy ít cảnh hơn, tương tự như cách cắt xén hình ảnh vậy.

Để làm rõ những khái niệm ở phía sau mình xin nói qua về cảm biến, như bạn thấy khi tháo lens ra đường để ánh sáng đi vào trong cảm biến là một hình tròn lớn nhưng cảm biến của chúng ta lại hình chữ nhật.

Vòng tròn nơi ánh sáng đi qua trước khi vào cảm biến

Vòng tròn nơi ánh sáng đi qua trước khi vào cảm biến

Và cảm biến full-frame được xem là cảm biến lớn nhất với các góc nằm trên đường tròn này nhưng loại máy ảnh với cảm biến to như thế này thường rất đắt vì cảm biến to nhận được nhiều ánh sáng và đương nhiên ảnh chụp ra chất lượng sẽ vượt trội hơn và góc nhìn rộng hơn.

Tuy nhiên đa số các máy ảnh kĩ thuật số ngày nay đều dùng cảm biến crop với kích thước nhỏ hơn (bị cắt xén đi so với kích thước ban đầu) với nhiều kích cỡ khác nhau do vấn đề về chi phí và kỹ thuật nên người ta thống nhất lấy cảm biến full-frame, tương đương kích thước film 35mm làm tiên chuẩn để so sánh. Các cảm biến crop sẽ có một hệ số crop đó là tỉ lệ kích thước của cảm biến full-frame so với cảm biến crop đó.

Các lens gắn vào máy sử dụng cảm biến crop, góc nhìn sẽ hẹp hơn bình thường và tỉ lệ với hệ số crop từ đó người ta sẽ tính được góc nhìn thật sự của lens. Cho nên không phải bạn dùng lens 50mm trên máy crop thì góc nhìn nó sẽ được rộng như trên máy sử dụng cảm biến full-frame được đâu.

Độ dài tiêu cự tương đương được tính bằng cách nhân độ dài tiêu cự của ống kính với hệ số crop của máy ảnh sử dụng cảm biến crop.

Đối với Nikon, máy ảnh của nó DX có hệ số crop là 1,5. Các máy ảnh Canon-EF EF-S có hệ số crop là 1.6. Ngoài ra, máy ảnh micro bốn phần ba có hệ số crop là 2.0 và cảm biến Sony và 1 số loại máy của của Panasonic có hệ số crop là 2.7.

Ví dụ trên chiếc máy Canon 700D của hình chẳng hạn, hệ số crop của nó là 1.6 như vậy góc nhìn thật sự của nó khi gắn một chiếc lens 50mm sẽ là: 50×1.6 = 80 tương đương với góc nhìn của một chiếc lens có tiêu cự 80mm khi gắn trên máy full-frame, khung hình trên thật sự trên máy full-frame khi chuyển sang máy crop giống như bị cắt xén đi vậy.

Hình ảnh dưới đây được chụp với ống kính 24-70 mm f / 2.8 ở tiêu cự 44 mm trên máy ảnh Canon 6D full-frame. Nếu mình đặt cũng ở cùng góc này với ống kính tương tự và cũng với tiêu cự 44mm nhưng với một chiếc máy Crop (chiếc Canon 700D của mình chẳng hạn) thì chỉ thu được khung hình như bên dưới.

Canon 6D + 24-70mm f/2.8 @ 44mm, ISO 200, 1/300, f/5.6

Canon 6D + 24-70mm f/2.8 @ 44mm, ISO 200, 1/300, f/5.6

Và tất nhiên, vùng nhìn sẽ bị giảm – do cảm biến nhỏ hơn thu được ít ánh sáng hơn và khung hình cũng nhỏ hơn – sẽ không nhìn thấy cùng một khu vực. Trong tình huống này, mình sẽ chỉ chụp khung hình với phần mình đã đánh dấu màu đỏ như bên dưới. Tiêu cự thật sự của mình trên máy 700D sẽ là 44 mm x 1,6 hoặc 70.4 mm.

Nói cách khác, nếu mình muốn chụp những gì được viền màu đỏ trên chiếc 6D, mình sẽ phải đặt một ống kính có tiêu cự 70.4 mm. Tất nhiên, mình cũng có thể phóng to ống kính 24-70 mm của mình từ 44 đến 70 mm.

Phân loại ống kính theo độ dài tiêu cự

Tùy thuộc vào độ dài tiêu cự tương đương người ta phân ống kính thành năm loại

Ống kính góc cực rộng

Loại ống kính này tương đương với tiêu cự 24mm trở xuống trên máy cảm biến full-frame. Loại ống kính góc cực rộng này có góc nhìn siêu rộng. Tuy nhiên, tất cả đều có sự đánh đổi, đổi lại góc nhìn siêu rộng này thì loại ống kính này thường làm biến dạng các vật thể trong khung ảnh, tuy nhiên đổi lại chúng ta sẽ có một góc nhìn ấn tượng và độc đáo.

Đó là những ống kính thú vị và khoảng cách lấy và độ sâu trường ảnh cũng lớn. Nếu bạn thích chụp thể loại nội thất hay kiến trúc thì 1 chiếc ống kính siêu rộng là một trang bị không thể thiếu trong túi của bạn.

NIKON D7000 + 10.5mm f/2.8 @ 10.5mm, ISO 200, 1/500, f/10.0, Tiêu cự tiêu chuẩn = 15mm

NIKON D7000 + 10.5mm f/2.8 @ 10.5mm, ISO 200, 1/500, f/10.0, Tiêu cự tiêu chuẩn = 15mm

Nguồn Photographylife

X-T3 + XF10-24mmF4 R OIS @ 10mm, ISO 160, 0.8s, f/10.0, tiêu cự tiêu chuẩn = 15mm

X-T3 + XF10-24mmF4 R OIS @ 10mm, ISO 160, 0.8s, f/10.0, tiêu cự tiêu chuẩn = 15mm

Nguồn Photographylife

Ống kính góc rộng

Ống kính góc rộng có tiêu cự tương đương trong khoảng từ 24 mm đến 35 mm. Những ống kính này vẫn có tầm nhìn rộng và thường được sử dụng bởi các nhiếp ảnh gia phong cảnh và hoặc kiến ​​trúc. Khi bạn sử dụng ống kính rộng, bạn hãy thử đặt một chi tiết ở tiền cảnh.

Điều này mang tạo cảm giác về tỉ lệ cho người xem và dần dắt ánh nhìn của người xem đi vào khung ảnh bởi vì các ống kính này có độ sâu trường rất lớn, nên các vật ở gần hay xa đều có thể nằm trong trường nét được.

Canon 700D + 18-55mm f/3.5-5.6 IS STM @ 18mm, ISO 200, 1/15, f/11.0, tiêu cự tiêu chuẩn = 28.8mm

Canon 700D + 18-55mm f/3.5-5.6 IS STM @ 18mm, ISO 200, 1/15, f/11.0, tiêu cự tiêu chuẩn = 28.8mm

  Canon 700D + 18-55mm f/3.5-5.6 IS STM @ 20mm, ISO 200, 1/15, f/11.0, tiêu cự tiêu chuẩn = 32mm

Canon 700D + 18-55mm f/3.5-5.6 IS STM @ 20mm, ISO 200, 1/15, f/11.0, tiêu cự tiêu chuẩn = 32mm

Ống kính tiêu chuẩn

Ống kính tiêu chuẩn có tiêu cự từ 35 mm đến 70 mm, cho góc nhìn tương đương với mắt người nhất. Chúng cũng ít gây ra sự biến dạng hình ảnh, vì vậy đây là dãy tiêu cự yêu thích của các nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung. Một tính năng khác của ống kính trong phạm vi tiêu cự này là khả năng tách đối tượng khỏi nền của nó bằng cách sử dụng độ sâu trường ảnh mỏng hơn nhiều so với ống kính góc rộng (hiệu ứng xóa phông).

Canon 700D + 50mm F1.8, ISO 400, 1/100, f/2.8, tiêu cự tiêu chuẩn = 80mm

Canon 700D + 50mm F1.8, ISO 400, 1/100, f/2.8, tiêu cự tiêu chuẩn = 80mm

Canon 700D + 50mm F1.8, ISO 200, 1/200, f/3.2, tiêu cự tiêu chuẩn = 80mm

Canon 700D + 50mm F1.8, ISO 200, 1/200, f/3.2, tiêu cự tiêu chuẩn = 80mm

Ống kính tele

Độ dài tiêu cự trong khoảng 70 mm đến 300 mm được coi là ống kính tele. Chúng thường xuyên được sử dụng bởi các nhiếp ảnh gia chuyên chụp động vật hoang dã để có thể tiếp cận gần đối tượng mà không bị phát hiện. Những ống kính này có độ sâu trường ảnh rất mỏng, độ xóa phông cao, ngay cả ở khẩu độ nhỏ, do đó, việc lấy nét khá phức tạp.

Canon 700D + conon 55-250mm @93mm, ISO 100, 1/800, f4.5 , tiêu cự tiêu chuẩn = 148.8mm

Canon 700D + conon 55-250mm @93mm, ISO 100, 1/800, f4.5 , tiêu cự tiêu chuẩn = 148.8mm

 Canon 700D + conon 55-250mm @250mm, ISO 100, 1/800, f4.5 , tiêu cự tiêu chuẩn = 400mm

Canon 700D + conon 55-250mm @250mm, ISO 100, 1/800, f4.5 , tiêu cự tiêu chuẩn = 400mm

Ống kính Super Tele

Ống kính Super Tele là những ống kính có tiêu cự dài hơn 300 mm. Chúng thường được sử dụng để chụp ảnh các loài chim, cò và các đối tượng nhỏ khác ở khoảng cách rất xa. Những ống kính này thường rất cồng kềnh và nặng và có thể yêu cầu sử dụng chân máy để hỗ trợ chúng (mình không đùa đâu, chân máy riêng cho chiếc ống kính khi đó ta lắp máy ảnh vào ống kính chứ không phải lắp ống kinh vào máy ảnh).

Giá của những chiếc ồng kính này cũng rất đắt! Ống kính Nikon ED AF-S NIKKOR 800mm f / 5.6E FL ED VR có giá khoảng 16300 USD (gần 350 triệu) tại thời điểm viết bài viết này! May mắn là cũng có một số lựa chọn rẻ hơn cho các nhiếp ảnh gia không có điều kiện dư giả có thể thỏa đam mê chụp ảnh chim cò của mình!

X-T3 + XF100-400mmF4.5-5.6 R LM OIS WR @ 400mm, ISO 400, 1/280, f/5.6, equivalent focal length = 600mm

X-T3 + XF100-400mmF4.5-5.6 R LM OIS WR @ 400mm, ISO 400, 1/280, f/5.6, equivalent focal length = 600mm

Nguồn Photographylife

NIKON D7100 + 80-400mm f/4.5-5.6 @ 400mm, ISO 400, 1/800, f/5.6, equivalent focal length = 600mm

NIKON D7100 + 80-400mm f/4.5-5.6 @ 400mm, ISO 400, 1/800, f/5.6, equivalent focal length = 600mm

Nguồn Photographylife

Một lần nửa, mình xin nhắc lại rằng phân loại trên là dựa trên cảm biến full-frame nếu bạn cần tìm khoảng tiêu cự tương ứng trên cảm biến crop thì hãy quy đổi theo hệ số crop nhé!

Phân loại Lens zoom và Lens fix

Lens Fix là ống kính có một tiêu cự duy nhất, không thay đổi được. Mặt khác, một ống kính zoom có ​​độ dài tiêu cự có thể thay đổi được.

Một số dãy tiêu cự của ống kính zoom phổ biến bao như 16-35 mm, 24-70 mm và 70-200 mm. Một chiếc ống kính tuyệt vời để đi du lịch là một chiếc ống kính có dãy tiêu cự trải dài tự góc rộng đến tele, chẳng hạn như ống kính 18-200 mm chẳng hạn, đây là những chiếc ống kính đa dụng có thể chụp được hầu hết các thể loại.

Một chiếc lens zoom của mình

Một chiếc lens zoom của mình

Ưu điểm

  • Ưu điểm ở đây là bạn sẽ không phải mang theo quá nhiều ống kính bên mình, hoặc thay đổi ống kính để chụp giữa các khung cảnh khác nhau như góc rộng hay cận cảnh các chi tiết kiến ​​trúc.

Nhược điểm

  • Tuy nhiên, có một nhược điểm của lens zoom đó là chúng thường không sắc nét và thu sáng tốt như lens fix được. Mặc dù với công nghệ ngày càng phát triển, khoảng cách này đang ngày càng được thu hẹp nhưng khoảng cách này vẫn tồn tại đặc biệt là khi so sánh một chiếc lens siêu zoom như 18-200 với một chiếc lens fix chẳng hạn, chất lượng rất khác biệt.
  • Một nhược điểm khác là các lens zoom này có xu hướng có khẩu độ tối đa hẹp hơn so với các lens fix. Mặc dù có thể ống kính zoom để khẩu độ mở là 2.8 nhưng so với một chiếc lens fix cũng ở khẩu độ 2.8 thì sự nhạy sángchất lượng hình ảnh ở chiếc lens fix cũng sẽ tốt hơn. Điều này làm cho những chiếc lens fix có vẻ hấp dẫn hơn, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu. Để hiểu rõ hơn, mình sẽ có bài viết chi tiết về 2 loại lens này sau.

Một số điều thú vị về tiêu cự ống kính

do sang trong nhiep anh

Như mình có đề cập đến ở trên mỗi dãy tiêu cự thường dùng trong mục đích khác nhau tuy nhiên bạn cũng đừng ép mình phải giới hạn trong khuôn khổ, hãy phát huy sự sáng tạo của mình. Đôi khi người ta vẫn dùng một lens tele để chụp chân dung (nếu không muốn nói là thường sử dụng) vì đặc tính xóa phông ảo diệu của nó cũng như ít biến dạng ảnh. Hãy thỏa sức sáng tạo để tạo ra những tác phẩm ấn tượng.

Bạn có biết Lens zoom với zoom trên điện thoại khác nhau ở điểm nào không ? Hoàn toàn khác nhau, zoom trên điện thoại sẽ làm giảm chất lượng ảnh, điều đó giống như bạn zoom ảnh lên rồi crop đi vậy rõ ràng chất lượng ảnh sẽ bị giảm còn zoom trên lens zoom là sự di chuyển của thấu kính để thay đổi tiêu cự cho nên chất lượng ảnh vẫn không giảm mà vật thể trong khung ảnh vẫn được zoom to lên.

Tuy nhiên, với việc các thiết bị điện thoại thông minh được trang bị nhiều ống kính thì chất lượng hình ảnh được chụp khi zoom cũng đã được cải thiện rất đáng kể, điển hình có thể kể đến chiếc iPhone 11 Pro hoặc chiếc SamsungS20 Ultra.

Không hoàn toàn tuyệt đối nhưng các Lens góc siêu rộngLens super tele thường có giá đắt hơn các loại còn lại mặc dù đôi khi nó khó sử dụng và chất lượng ảnh nhiều khi cũng không bằng các loại lens khác do sự phức tạp về cấu tạo cũng như góc nhìn độc đáo của nó. Nói về góc nhìn độc đáo còn có các loại lens khác như Lens mắt cá (Fish Eye) hay Lens Macro đây là các loại lens chuyên biệt mình sẽ có bài viết riêng.

Lời kết

Đừng quá bận tâm về định nghĩa độ dài tiêu cự, thậm chí là sự khác biệt về góc nhìn của các tiêu cự khác nhau cũng như việc quy đổi tiêu cự giữa các loại cảm biến, bạn không cần phải nhớ thật chính xác đâu. Điều quan trọng bạn cần nhớ là các ống kính có tiêu cự dài sẽ đưa các vật thể lại gần hơn, giống như kính viễn vọng.

Trái lại, ống kính góc rộng là một lựa chọn tuyệt vời để chụp các khung cảnh rộng lớnnếu phong cảnh hoặc kiến ​​trúc là thể loại bạn thích chụp, thì hãy chắc chắn rằng bạn có cho mình một chiếc ống kính này. Nếu bạn muốn đứng từ xa mà vẫn có thể chụp được chủ thể, hãy chọn một ống kính tele. Còn đối với thể loại chân dung, và bất cứ vật gì có kích thước tương đương, một ống kính 50mm là một trang bị không thể thiếu.

Nếu có bất cứ thắc mắc gì, hãy để lại ý kiến bên dưới phần bình luận nhé!

Phạm Khang
Phạm Khang

Chào mọi người, mình là Khang, là dân IT, sở thích của mình là Street Workout, Du lịch, và Nhiếp ảnh. Phương châm viết bài của mình là cung cấp thông tin đến với tất cả mọi người một cách dễ hiểu nhất. Hy vọng những bài viết của mình có thể giúp ích được cho mọi người !

Theo dõi
Thông báo
guest

2 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Đánh giá
Inline Feedbacks
View all comments
Thủ thuật máy tính - Tin học dành cho bạn
Logo