Nhiếp ảnh cơ bản: Nên chọn mua Lens fix hay Lens zoom?

4.4/5 - (7 bình chọn)

Ở bài viết trước về độ dài tiêu cự, mình đã đề cập đến hai khái niệm đó là lens fix và lens zoom nhưng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu hôm nay mình sẽ có bài viết cụ thể hơn về hai loại lens này.

Trong những năm gần đây, những chiếc ống kính zoom đang ngày càng chiếm được thiện cảm của các nhiếp ảnh gia hơn như là một lựa chọn cho sự linh hoạt và tiện lợi. Với những chiếc cảm biến đời mới có khả năng cho ra những bức ảnh với chất lượng ấn tượng, thậm chí là với mức ISO cao nên cũng không khó hiểu khi ngày càng có nhiều người có thiên hướng chọn sự tiện lợi của các ống kính zoom hơn.

Những chiếc lens zoom cũng ngày càng được cải thiện với khả năng cho ra những bức ảnh sắc nét – hầu hết, thậm chí là một số chiếc ống kính zoom giá rẻ, đáp ứng được yêu cầu sử dụng hàng ngày và các ống kính zoom cũng có thể tự hào vì nó được trang bị hệ thống chống rung mà hầu hết các ống kính một tiêu cự không có.

Một số ống kính zoom cao cấp, chuyên nghiệp hiện nay có thể cho ra những bức ảnh cực kỳ xuất sắc thậm chí có thể vượt qua được một số ống kính một tiêu cự ở cùng độ dài tiêu cự đó nhưng để sở hữu được những sản phẩm như vậy bạn sẽ phải bỏ ra cái giá rất đắt – đương nhiên, tiền nào của nấy mà.

Mặc dù vậy, những chiếc ống kính một tiêu cự vẫn không đánh mất đi giá trị của mình – một trong những lý do chính là giá cả, nó rẻ hơn rất nhiều so với những chiếc lens zoom cho ra chất lượng ảnh tương đương nó. Các nhà sản xuất ống kính máy ảnh như là Nikon, Sony hay Canon đang ngày càng cải tiến bộ sưu tập ống kính của mình với nhiều lựa chọn tốt hơn.

Các nhà sản xuất ống kính của bên thứ ba, ví dụ như Sigma hay Tamron cũng đang từng bước một đi vào cuộc đua sản xuất ống kính với các nhà sản xuất chính hãng với những cam kết hấp dẫn hơn (họ là bên thứ 3 mà, phải biết thân biết phận). Do vậy giờ đây để đưa ra lựa chọn nên mua một chiếc ống kính zoom hay một chiếc ống kính một tiêu cự khiến bạn đau đầu hơn bao giờ hết.

Bài viết ở góc độ dành cho người mới, tôi sẽ nói chi tiết về những chiếc ống kính zoomống kính một tiêu cự này để các bạn có thể hiểu một cách kỹ càng, rõ ràng nhất về sự khác nhau giữa chúng, theo đó là một vài bức ảnh với số lens ít ỏi mình đang sở hữu (may mắn là mình sở hữu được cả 2 loại ống kính này nên có thể minh họa cho các các bạn rõ hơn)

2 chiếc lens của mình: 1 ống fix và 1 ống zoom

2 chiếc lens của mình: 1 ống fix và 1 ống zoom

Lens fix – ống kính một tiêu cự là gì?

Một chiếc lens fix chính là một chiếc ống kính có tiêu cự cố định không thay đổi được (đôi khi người ta gọi là fixed lens hay prime lens). Với ý nghĩa của cái tên ống kính một tiêu cự thì nó là một chiếc lens với góc nhìn không thể thay đổi được – trừ khi bạn tự di chuyển bản thân mình đi (mình hay gọi là zoom chân).

Nếu không, bạn sẽ không có cách nào để chụp được một bức ảnh với khung hình rộng hay nhỏ hơn được vì đa số máy ảnh không hỗ trợ zoom kỹ thuật số như điện thoại (nếu có thì cũng làm giảm chất lượng ảnh đi). Cách duy nhất để có một bức ảnh với vật thể to hơn là bạn di chuyển lại gần nó và để vật thể nhỏ hơn và thu được nhiều chi tiết trong khung hình hơn là bạn lùi lại để lấy khung lớn hơn.

Một ống fix 50 mm

Một ống fix 50 mm

Mỗi chiếc chiếc lens fix sẽ có một tiêu cự, 50mm chẳng hạn. Và nó trải dài trên toàn bộ dãy tiêu cự, từ lens fish eye, góc siêu rộng cho đến super tele. Ví dụ một vài chiếc lens fix thường gặp: Nikon 50 f/1.8G, Canon 50mm f/1.8, Canon 800mm f/5.6L IS, Sigma 35mm f/1.4 hay Sony 35mm f/1.8,….

Lens zoom – ống kính zoom là gì ?

Độ dài tiêu cự và cấu tạo ống kính

Độ dài tiêu cự và cấu tạo ống kính

Một ống kính zoom, một mặt có thể thay đổi tiêu cự với nhiều giá trị khác nhau trên dãy tiêu cự của nó. Hãy nhìn vào hình phía trên, bạn sẽ di chuyển các thành phần của ống kính ở bên trong để thay đổi những góc nhìn khác nhau. Điều đó có nghĩa là bạn có thể phóng to hay thu nhỏ vật thể xuất hiện trong khung hình bằng cách xoay cùng chiều kim đồng hồ nếu muốn thu nhỏ vật thể và theo chiều ngược lại nếu muốn phóng to vật thể.

Mỗi chiếc ống kính zoom trên thân thường có hai thông số đặc trưng cho 2 giới hạn trong dãy tiêu cự của nó. Để minh họa mình sẽ lấy chiếc lens kit thần thánh của mình làm ví dụ. Đó là chiếc lens Canon EF-S 18-55mm f/3.5-5.6 IS STM.

Một chiếc lens zoom của mình

Một chiếc lens zoom của mình

Chiếc lens này có thể chụp ở tiêu cự 18mm, ở tiêu cự 55mm hoặc bất kỳ giá trị tiêu cự nào ở giữa. Ngoài thay đổi dãy tiêu cự thì những chiếc lens zoom có thể thay đổi dãy khẩu độ – tức là ở mỗi một tiêu cự khác nhau thì khẩu độ mở tối đa sẽ khác nhau và thường thì tiêu cự càng lớn thì khẩu độ mở tối đa càng bé.

Trên đa số chiếc lens zoom bạn sẽ thấy những thông số kiểu như f/3.5-5.6, nó đại diện cho giá trị khẩu độ mở tối đa ở các giá trị tiêu cự của dãy tiêu cự.

Ví dụ như chiếc lens kit của mình chúng ta sẽ có khẩu độ mở tối đa ở tiêu cự 18mm là f/3.5 và khẩu độ mở tối đa ở tiêu cự 55mm là  f/5.6. Nhưng mặt khác, hầu hết những chiếc lens zoom cao cấp dành cho mục đích chuyên nghiệp thì chỉ có một khẩu độ mở tối đa trong xuyên suốt dãy tiêu cự của nó.

Một số ví dụ điển hình như: Canon 16-35mm f/2.8L II, Sigma 70-200mm f/2.8, khá là xịn xò đúng không. Tiêu cự có thể thay đổi được mà khẩu độ mở lại khá lớn như vậy, những chiếc ống kính này giá khá đắt đấy, đắt hơn body một số máy ảnh tầm trung.

Ưu và nhược điểm của Lens Fix 

Lens zoom (Ống kính một tiêu cự) tốt như thế nên có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu chụp ảnh nhưng tại sao chúng ta vẫn cần những chiếc lens fix? Dưới đây là những ưu điểm của những chiếc ống kính một tiêu cự so với những chiếc ống kính zoom.

1. Giá cả

Hầu hết những chiếc ống kính một tiêu cự ngày nay có giá rẻ hơn nhiều so với một chiếc ống zoom có chứa tiêu cự của ống fix đó. Một chiếc ống kính 24mm f/2.8 của Canon chỉ có giá khoảng 3.300.000đ một chiếc trong khi một chiếc ống kính 24-7mm f/2.8 cũng của Canon có giá khoảng 14.000.000đ, đắt hơn khá nhiều.

Thậm chí là nếu bạn mua 3 chiếc lens fix với dãy tiêu cự tương đương là Canon 24mm f/28, Canon 50mm f1.8 và Canon 85mm f/1.8 giá vẫn rẻ hơn.

Vì lý do này, các nhiếp ảnh gia sẽ tiết kiệm được một khoảng cho việc trang bị ống kính để đầu tư cho các thiết bị khác như filter, chống ẩm hay chân máy. Mặc khác còn được trải nghiệm với những công nghệ ống kính khác nhau mà không phải bỏ ra một cái giá quá cao với một dãy tiêu cự tuy đa dụng những chất lượng lại không bằng.

Chiếc lens fix giá rẻ Youngou 50mm f1.8

Chiếc lens fix giá rẻ Youngou 50mm f1.8

Đây là chiếc lens Yougnuo 50mm f/1.8 và bạn tin không bạn mình mua nó chỉ với giá khoảng 1 triệu động, tuy nhiên chất lượng hình ảnh của nó không thua mấy so với chiếc Canon 50mm của mình.

Một bức ảnh chụp với Lens Youngnou 50mm

Một bức ảnh chụp với Lens Youngnou 50mm

2. Kích thước và trọng lượng

Thật ngạc nhiên, khi mà đa số những người mới học chụp ảnh lại thích một chiếc lens to xù xì như một chiếc 70-200mm f/2.8 với công nghệ chống rung. Cũng đúng khi chiếc chiếc ống kính này có thể cho ra những bức ảnh rất sắc nét với khả năng lấy nét cực nhanh và sử dụng được cho nhiều trường hợp khác nhau.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chú ý về kích thước và trọng lượng của nó, nó khá cồng kềnh và nặng điều này có thể gây mỏi vai và những chấn thương về lâu dài nếu sử dụng trong một thời gian dài.

Lens 70 - 200mm

Lens 70 – 200mm

Chúng ta có thể thấy được rằng ngày nay người ta thường chuộng sự nhẹ nhàng và tiện lợi hơn, đó là lý do vì sao thị trường máy ảnh microless (không gương) lật đang là xu hướng và ngày càng được ưa chuộng – thậm chí một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp quyết định nhảy sang dùng những chiếc máy nhỏ gọn và chất lượng cao này.

Những chiếc ống kính một tiêu cự có thể là một giải pháp cho nhu cầu này, chúng thường nhỏ gọn và tiện lợi. Khi mua máy ảnh mình đã quyết định mua ngay một chiếc 50mm f/1.8 và mình không bao giờ thấy tiếc về quyết định này vì sự nhỏ gọn và chất lượng luôn làm mình hài lòng. Việc chỉ sở hữu một chiếc lens to đùng cồng kềnh để phục vụ cho hầu hết các mục đích chụp đôi khi chỉ khiến cho bạn phải để máy ảnh ở nhà thay vì mang nó đi mọi nơi để chụp choẹt.

3. Học được cách xoay sở trong nhiều tình huống

Nhiều nhiếp ảnh gia tin rằng việc bắt mình zoom bằng cách thủ công – zoom chân, đôi khi sẽ tốt cho người mới hơn vì nó là một cách tốt để học về bố cục và tìm được một góc chụp tốt hơn. Và họ cũng tin rằng điều đó sẽ giúp bạn tận dụng được chiếc ống kính một cách tối đa hơn và khai thác được tuyệt đối những ưu thế của nó.

Mình cũng đồng ý với ý kiến này một phần và có thể nói rằng chiếc lens 50mm của mình đã giúp mình rất nhiều trong nhiều trường hợp, nhưng thành thật mà nói thì đôi khi nó cũng hạn chế khả năng học hỏi của bạn.

Theo mình, bạn nên ít nhất phải có một chiếc ống kính zoom trong bộ đồ nghề của mình nếu bạn chỉ sở hữu những chiếc lens fix, và ngược lại.

4. Lợi thế về khẩu độ mở

Hầu hết những chiếc ống kính nhanh, chuyên nghiệp nhất như 14-24mm, 24-70mm hay 7-200mm đều chỉ có thể đạt được khẩu độ mở tối đa là f/2.8 trong khi những chiếc ống kính một tiêu cự nhanh và chuyên nghiệp nhất thậm chí có thể đạt đến khẩu độ mở f/0.95.

Vì lý do này, những chiếc ống kính này không chỉ có khả năng thu sáng tốt hơn mà còn cho ra những bức ảnh với trường ảnh mỏng xóa phông ảo diệu, ngoài ra có một hiệu ứng rất độc đáo khi chụp với nền là các ánh đèn là một nét đặc sắc trong bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh đó là “bokeh”.

Một bức ảnh được chụp với Lens canon 85mm f/1.8

Một bức ảnh được chụp với Lens canon 85mm f/1.8

Nhiều người mới bắt đầu học chụp ảnh tự hỏi tại sao mình chụp lens kit mà không tách được chủ thể khỏi nền với hiệu ứng xóa phông ảo diệu được vậy nhỉ ?

Đó là bởi vì khẩu độ mở tối đa của những chiếc lens này và cũng như chất lượng quang học của ống kính nữa, điều này khiến nó gần như không thể tạo ra được những bức ảnh xóa phông ảo diệu mà có thể tách chủ thể khỏi hậu cảnh được.

Đôi khi bạn sẽ phải “khóc thét” với những sản phẩm mà bạn chụp được với chiếc len kit zoom này, nói như vậy thì không có nghĩa đây là một chiếc lens bỏ đi, trong nhiều trường hợp sử dụng lens kit chụp ảnh vẫn tốt chỉ là nó không được chất lượng tốt như những chiếc lens khác thôi.

5. Chụp ánh sáng yếu

Một chiếc lens fix tốt sẽ cho phép bạn chụp được chủ thể ở những điều kiện ánh sáng yếu mà không bị mờ nhòe, nhờ vào khẩu độ mở lớn của nó. Do các thấu kính trong lens fix được thiết kế đơn giản hơn cho nên những chiếc ống kính một tiêu cự này có thể dễ dàng mở khẩu độ lên tới f/1.8 hay thậm chí là f/1.2.

Một bức ảnh chụp ở điều kiện ánh sáng yếu bằng lens fix 50mm

Một bức ảnh chụp ở điều kiện ánh sáng yếu bằng lens fix 50mm

Những chiếc ống kính này cho khả năng lấy sáng tốt hơn gấp 2-3 lần so với những chiếc ống kính zoom với khẩu độ mở f/2.8. Trong khi nhiều chiếc lens zoom sẽ giúp bạn chụp tối tốt hơn khi trang bị tính năng chống rung hỗ trợ chụp với điều kiện ánh sáng yếu, nhưng mà nó cũng có nhược điểm là đối với chụp những vật chuyển động thì hệ thống này không phát huy tác dụng mấy.

Ưu điểm và nhược điểm của Lens Zoom

Dường như mọi thứ mình đề cập ở trên đều có thiên hướng ưu ái sử dụng các ống kính một tiêu cự hơn và chẳng ai thèm dùng các ống kính zoom cả. Mặc dù với giá cả khá cao và phải chấp nhận một chiếc lens cồng kềnh nếu muốn sở hữu một chiếc lens zoom tốt.

Thức tế những chiếc ống kính zoom rất phổ biến và được sử dụng vì sự tiện dụng của nó. Có những đặc điểm mà thậm chí là những chiếc ống kính một tiêu cự tốt nhất cũng không làm được so với một chiếc ống kính zoom tốt. Dưới đây là những ưu điểm mà một chiếc ống kính thay đổi được nhiều tiêu cự mang lại:

1. Sự linh hoạt

Một điểm rõ ràng có thể dễ dàng nhận thấy ở một chiếc lens zoom đó là sự linh hoạt mà nó mang lại. Lens zoom sẽ phát huy được lợi thế của nó trong trường hợp các nhiếp ảnh gia cần thay đổi thật nhanh giữa các tình huống chụp khác nhau.

Bạn có thể chuyển nhanh từ góc rộng sang tele với một cú xoay vào vòng zoom mà không cần phải có tháo ra rồi lắp vào, điều này dễ khiến hư hỏng ngàm của ống kính cũng như để bụi lọt vào cảm biến nếu không cẩn thận.

Các nhiếp ảnh gia phong cảnh và chụp động vật hoang dã chẳng hạn, một thể loại thì góc nhìn là cả một vùng rộng lớn một thể loại thì góc nhìn chỉ một điểm nhỏ tầm 1-2 mét và trong những trường hợp cần chuyển đổi nhanh giữa những thể loại này thì chiếc lens zoom lúc đó sẽ phát huy được giá trị tối đa của nó trong việc căn khung hình chuẩn một cách nhanh chóng.

Bức ảnh được chụp ở tiêu cự 70 bằng lens 55-250mm của mình

Bức ảnh được chụp ở tiêu cự 70 bằng lens 55-250mm của mình

Đây là tiêu cự 180mm

Đây là tiêu cự 180mm

Còn đây là tiêu cự 250mm

Còn đây là tiêu cự 250mm

2. Khả năng chống rung – Image Stabilization (IS)

Những chiếc lens zoom hiện đại ngày nay đa số đều có khả năng chống rung – Image Stabilization (IS) trên Canon hay Vibration Reduction (VR) trên Nikon hay Optical Stabilization (OS) của Sigma và Vibration Compensation (VC) của Tamron.

Thậm chí là một chiếc lens với khẩu độ mở tối đa chỉ với f/4 vẫn có thể chụp được những bức ảnh sắc nét đối với những vật thể không chuyển động trong điều kiện ánh sáng yếu. Nhờ vào công nghệ chống rung, chiếc ống kính của bạn sẽ dịch chuyển theo những chuyển động rung của bạn, giúp cho bạn có thể sử dụng những tốc độ chụp rất chậm nhưng ảnh vẫn được sắc nét.

Công nghệ chống rung được trang bị cho các lens zoom

Công nghệ chống rung được trang bị cho các lens zoom

Tính năng chống rung này giờ đây cũng không còn là tính năng độc quyền của các ống kính zoom nửa. Một vài chiếc ống kính một tiêu cự gần đây cũng đã được trang bị công nghệ này, ví dụ như một chiếc ống kính vừa ra mắt gần đây của Canon đó là chiếc Canon 35mm f/2 IS.

Một thông tin thêm cho các bạn là công nghệ chống rung này hiện cũng không còn độc quyền trên ống kính mà nó còn được trang bị trên cả body của máy ảnh nửa ví dụ như một số dòng máy kỹ thuật số của Sony và Pentax, được trang bị công nghệ chống rung trên cảm biến và hoạt động khá tốt với các loại ống kính khác nhau.

3. Sự tiện dụng

Chỉ cần một chiếc lens zoom đã có thể thay thế ít nhất 2 – 3 chiếc lens fix. Nó cũng có nghĩa là bạn chỉ cần bận tâm với việc phải di chuyển với một chiếc lens duy nhất thay vì 2 – 3 chiếc, hơn nữa bạn không phải mang quá nhiều ống kính theo để chụp nhiều thể loại khác nhau.

Mặc dù trông lens zoom khá cồng kềnh và to nhưng nếu đem 2-3 chiếc lens fix cộng lại, khối lượng tổng thể của body và len zoom đôi khi lại nhẹ hơn và bạn cũng hạn chế được khả năng ngàm ống kính bị hỏngcảm biến bị bụi bẩn do phải thay ống kính thường xuyên.

Lời kết

Những bạn mới bắt đầu học chụp ảnh thường đối mặt với việc lựa chọn mua ống kính một tiêu cự hay ống kinh zoom. Như bạn có thể thấy trong bài viết này, cả hai điều có những ưu nhược điểm riêng của nó, cho nên việc chỉ lựa chọn 1 trong 2 là điều thực sự đau đầu. Nó làm mất thời gian để lựa chọn loại nào phù hợp với phong cách chụp của bạn hơn.

Một số người kết luận rằng chỉ cần một chiếc lens siêu zoom là được, nó làm được tất cả, trong khi một số người khác lại chung thủy với những chiếc ống kính một tiêu cự và từ chối sử dụng những chiếc lens zoom.

Chín người mười ý, mỗi người có cái lý của mình tùy vào hoàn cảnh, phong cách đôi khi là do công việc của họ. Mình cũng không mặc định cho các bạn là nên sử dụng lens này hay lens kia cho trường hợp này trường hợp kia, nhưng mình có một lời khuyên cho các bạn:

Hãy tận dụng tối đa các chức năng và ưu điểm của các thiết bị để cải thiện kỹ năng nhiếp ảnh của bản thân, không quan trọng là bạn chọn loại nào, miễn là nó không cản trở khả năng sáng tạo của bạn.

Lời cuối cùng là cảm ơn bạn đã đọc đến đây, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có được góc nhìn rõ ràng hơn để từ đó có thể đưa ra quyết định nên chọn Lens nào để chụp ảnh. Nếu như có góp ý nào khác dành cho bài viết, đừng quên chia sẻ với mình trong phần dưới đây.

Phạm Khang
Phạm Khang

Chào mọi người, mình là Khang, là dân IT, sở thích của mình là Street Workout, Du lịch, và Nhiếp ảnh. Phương châm viết bài của mình là cung cấp thông tin đến với tất cả mọi người một cách dễ hiểu nhất. Hy vọng những bài viết của mình có thể giúp ích được cho mọi người !

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Thủ thuật máy tính - Tin học dành cho bạn
Logo