Nhiếp ảnh cơ bản phần cuối: Những mẹo chụp ảnh cho người mới

5/5 - (1 bình chọn)

Chào các bạn, nếu bạn là người theo dõi mình từ những bài đầu tiên của loạt series bài viết về nhiếp ảnh cơ bản đến bây giờ thì mình tin chắc là bạn đã đủ những kiến thức cần thiết để thực hành được rồi đấy. Và đây là bài viết cuối cùng của mình trong series về nhiếp ảnh căn bản.

Để kết thúc chuỗi bài viết khá dài này, mình sẽ mang đến cho bạn những mẹo hay mà mình đã áp dụng cũng như được chia sẻ bởi những người đàn anh có kinh nghiệm mà mình đã học hỏi được, mình tin chắc rằng những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn thực hành dễ dàng hơn, ít nhất là không bị bí ý tưởng khi đứng trước một khung cảnh nào đó. Nào cùng bắt đầu bài viết thôi!

Tận dụng tối đa những gì bạn có

Nên nhớ là những trang bị đi kèm không phải là những thứ quan trọng nhất.

Không thể nào đong đếm được số lượng máy ảnh, ống kính cũng như những trang bị đi kèm theo hiện có trên thị trường hiện nay. Đồng ý rằng có máy này máy kia, máy này tốt hơn, máy kia không bằng.

Nhưng chung quy lại hầu như đa số các máy ảnh hiện nay đều có thể cho ra được một chất lượng hình ảnh không quá khác biệt với nhau nếu đem chúng ra so sánh, có chăng sự khác biệt vẫn còn rất rõ ràng đó là giá cả giữa chúng, có một số dòng máy với giá cả rất cao, theo đó bạn sẽ được trải nghiệm nhiều tính năng hơn và được hỗ trợ tốt hơn.

Ảnh mình chụp bằng lens kit 18-55mm

Ảnh mình chụp bằng lens kit 18-55mm

Cho nên, hãy hài lòng với chiếc máy ảnh bạn đang có, đừng đứng núi này trông núi nọ. Nếu so với các dòng máy ảnh đời cũ thời xưa là các dòng máy ảnh SLR thì thậm chí là các dòng máy ảnh bán chuyên (entry-level) hiện nay vẫn xếp thuộc hàng top trên về chất lượng hình ảnh. Nhưng bằng cách nào đó, các nhiếp ảnh gia thời đó vẫn có cách để chụp được những bức ảnh để đời, và đến nay thì giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn.

Điều quan trọng là ở kỹ năng sáng tạo của bạn và kiến thức về cài đặt máy, làm chủ thiết bị của bạn. Hãy tập trung vào việc này hơn là cứ nghĩ nâng cấp máy lên thì sẽ chụp đẹp hơn, đó là suy nghĩ thụt lùi.

Hãy nắm vững các kiến thức về bố cục

Mình đã có bài viết phân tích khá kỹ về bố cục, bạn có thể xem lại bài viết trước của mình. Để chụp được một bức ảnh đẹp bạn phải nhận thức rõ được rằng mình đang chụp cái gì và sắp xếp mọi thứ như thế nào, không thể đặt mọi thứ ở chế độ tự động được, mọi cài đặt trên máy ảnh hầu như đều có thể auto được, nhưng bố cục thì không, nó do bạn quyết định, nó chiếm 50% vẻ đẹp của bức ảnh.

Bố cục rất quan trọng

Bố cục rất quan trọng

Hãy bắt đầu với những điều cơ bản nhất về thế nào là một bức ảnh đạt yêu cầu về bố cục. Không được cắt bỏ những phần quan trọng của chủ thể bởi khung hình. Hãy giữ đường chân trời cân bằng, và hãy cố gắng loại bỏ những yếu tố gây nhiễu trong khung hình của bạn bằng cách điều chỉnh bố cục.

Đừng quên quy tắc về sự cân bằng và sự đơn giản mình đã đề cập ở bài trước và nếu bức ảnh đầu tiên chụp ra không ưng ý hãy thử lại đến khi nào bạn cảm thấy hài lòng.

Biết được thiết lập máy trong các trường hợp cụ thể

Nếu bạn có theo dõi các bài viết trước của mình thì mình cũng có đề cập đến việc thiết lập máy như thế nào trong các trường hợp nhất định. Có rất nhiều thiết lập của máy ảnh, và bạn cũng cần phải chụp thử vài tấm để điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện chụp đặt biệt là với những người mới bắt đầu học chụp thì việc này gần như là phải thực hiện. Thậm chí là các nhiếp ảnh gia lâu năm có kinh nghiệm đi nửa thì cũng hiếm khi nào có thể có được bức ảnh hoàn hảo ngay từ cái bấm máy đầu tiên được.

Hãy học cách thiết lập máy một cách chính xác trong các trường hợp, cài đặt nào thường được để mặc định, để khi bạn cần chụp ngay thì có thể xoay sở kịp, đôi khi có những khoảnh khắc chỉ tồn tại trong tích tắc, nếu bạn cứ loay hoay set máy thì mọi thứ đã qua rồi.

Đầu tiên, đừng dùng các chức năng full auto mà hãy thử với các chế độ bán chỉnh tay trước, các chế độ ưu tiên khẩu độ, ưu tiên tốc độ chẳng hạn. Bạn sẽ không học được gì khi để chiếc máy quyết định mọi thứ thay bạn.

Lúc bắt đầu có thể bạn sẽ gặp phải một chút rắc rối, nhưng mình hy vọng nếu bạn đã đọc qua các bài viết về khẩu độ, tốc độISO của mình, nó sẽ giúp bạn gỡ rối được vấn đề và đi đúng hướng. Đó là 3 yếu tố quan trọng nhất trong trong nhiếp ảnh bạn phải ưu tiên thiết lập nó đầu tiên.

Thiết lập máy rất quan trọng đặc biệt là khi ánh sáng yếu

Thiết lập máy rất quan trọng đặc biệt là khi ánh sáng yếu

Bên cạnh 3 yếu tố quan trọng nhất đó, bạn cũng phải học cách làm sao để lấy nét đúng cách bằng cách thực hành với các chế độ tự động lấy nét.

  • Bạn gần như sẽ sử dụng chế độ single-servo (còn được gọi là One-Shot AF) cho hầu hết các trường hợp chủ thể không chuyển động và chế độ continuous-servo (còn gọi là AI Servo) cho các chủ thể chuyển động.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng chế độ lấy nét tay nếu trời không quá tối khi mà chế độ tự động lấy nét không hoạt động chính xác.

Cuối cùng, hãy để định dạng ảnh chụp là định dạng RAW nếu bạn muốn hậu kỳ lại, hoặc có ý định sẽ hậu kỳ trong tương lai. Định dạng JPEG có thể vẫn rất tốt nếu bạn xem lại nhưng việc hậu kỳ lại thì JPEG sẽ khó hơn so với ảnh RAW nhiều, nếu bạn muốn xem sự khác biệt hãy để định dạng file là RAW+JPEG và xuất ra máy tính để kiểm nghiệm thì sẽ rõ.

Đừng để ảnh bị cháy sáng

Khi thiết lập máy hãy chụp thử và quan sát xem bức ảnh có chỗ nào bị cháy sáng không, vì những vùng cháy sáng sẽ không thể nào cứu được nửa. Cá nhân mình, mình sẽ muốn những bức ảnh có bầu trời nhưng vẫn giữ lại những họa tiết của mây, dù cho chủ thể có hơi tối một tí cũng không sao vẫn có thể hậu kỳ lại được.

Mình tin rằng các bạn cũng vậy, ai cũng muốn bức ảnh chụp ra giữ được chi tiết và màu sắc hơn là một vùng trắng toác vô duyên trong bức ảnh (đương nhiên nếu bạn chủ ý chụp như vậy thì mình không nói).

Việc giữ lại các chi tiết trong bức ảnh thật ra cũng không quá khó. Khi đó việc điều chỉnh các yếu tố như tốc độ, khẩu độ, ISO là vô cùng quan trọng, chỉ có thể cứu được các vùng bị cháy sáng hoặc quá tối bằng các hiệu chỉnh các yếu tố này (không kể đến các yếu tố bên ngoài như flash …). Thậm chí là thanh bù sáng cũng chỉ giúp cho bạn có được gợi ý là nên điều chỉnh các yếu tố trong 3 yếu tố trên như thế nào để bức ảnh được đủ sáng.

Trước khi bấm máy, hãy quan sát màn hình LCD hoặc thanh đo sáng để xem rằng liệu bức ảnh có bị cháy hay không. Nếu có thì hãy hạ giá trị ISO xuống đầu tiên. Nếu vẫn cháy sáng, hãy tăng tốc độ chụp lên. Còn giá trị khẩu độ thì đừng để ở các giá trị như f/15 hay f/22, bạn chụp ra sẽ như điện thoại vậy.

Hãy chú ý đến ánh sáng

Ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất trong nhiếp ảnh, không cần phải bàn cãi. Nếu bạn chụp một bức ảnh đúng sáng thì bạn đã đi được một bức dài đến cái đích là có được bức ảnh đẹp rồi đấy. Nhưng bao nhiêu ánh sáng là đủ? Điều đó không hoàn toàn phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời.

Thường thì, mục đích của chúng ta ở đây là cân bằng lượng ánh sáng giữa chủ thể và hậu cảnh phía sau. Thậm chí là bức ảnh của bạn ở trong một điều kiện ánh sáng mặt trời lý tưởng nhất thì bạn cũng có thể rơi vào cảnh tiền cảnh và chủ thể tối om còn hậu cảnh thì đủ sáng.

Cách dễ nhất để giải quyết vấn đề này là hãy chú ý đến cường độ của ảnh sáng.

Nếu ánh sáng có cường độ quá mạnh đều này có thể gây tương phản mạnh và mất chi tiết cũng như sự khó chịu cho người xem, đây là vấn đề thường thấy đối với thể loại ảnh chân dung.

Khi đó có một số cách giải quyết như dùng tấm hắt sáng đều làm mềm ánh sáng, hay điều chỉnh lại ánh đèn (đối với studio) hoặc di chuyển chủ thể đến một nơi có ánh sáng dễ chịu hơn – hoặc là chờ cho đến khi nào ánh sáng dễ chịu hơn (đối với ảnh phong cảnh), có một khái niệm là giờ vàng, thường là từ 6h-8h sáng và từ 4h-6 giờ chiều khi đó ánh sáng dễ chịu nhất trong ngày bạn có thể đi chụp vào khung giờ này.

Ánh sáng vào giờ vàng rất thích hợp cho việc chụp ảnh

Ánh sáng vào giờ vàng rất thích hợp cho việc chụp ảnh

Mình cũng thường áp dụng để đi chụp trong khung giờ này bởi việc cân bằng sáng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với các thời điểm khác trong ngày.

Nếu bạn chụp ảnh mà không có chân máy, hãy đảm bảo là nơi đó đủ sáng. Nếu không bạn phải có đèn flash hoặc di chuyển đến chỗ khác sáng hơn. Đó là cách giải quyết dễ dàng nhất, đừng cố xoay sở nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm, hãy dành điều đó cho thực hành sau.

Hãy chịu khó di chuyển

Đây là một cách để tìm ra góc chụp thích hợp ở một nơi nào đó mà bạn muốn chụp. Đừng có đừng yên một chỗ, thay vào đó, hãy chịu khó di chuyển thay đổi góc độ càng nhiều càng tốt.

Trèo lên chỗ nào đó cao cao, đưa máy lên cao hay hạ xuống thậm chí là nằm xuống bò qua bò lại, tiến lùi các kiểu hãy làm mọi thứ có thể để thay đổi góc chụp và tìm ra những góc ưng ý nhất.

Nếu bạn chụp hàng đống ảnh với cũng độ cao, cùng một hướng mà không di chuyển thì sẽ chẳng khác biệt gì mấy cả, có chăng là độ sáng của từng bức sẽ khác do set máy. Nếu bạn lười như vậy thì thẻ nhớ của bạn sẽ sớm đầy và bạn sẽ bỏ lỡ nhiều bức ảnh đẹp đấy.

Hãy chịu khó di chuyển để tìm góc chụp ưng ý

Hãy chịu khó di chuyển để tìm góc chụp ưng ý

Chịu khó di chuyển là cách duy nhất để thay đổi kích thước và vị trí của chủ thể trong bức ảnh của bạn (ngoài chiếc lens zoom trong một số trường hợp). Nếu chủ thể quá to hãy lùi lại, nếu có vật nào đó có thể làm phân tâm cho người xem hãy di chuyển xung quanh tìm góc đến khi nào nó bị khuất đi hoặc không thể gây sự phân tâm nửa.

Biết khi nào nên sử dụng chân máy – Tripod

Có thể nói chân máy là một trong những trang bị hữu dụng nhất cho người chụp ảnh, nó không chỉ giúp chúng ta giải quyết được vấn đề đau đầu nhất trong nhiều tình huống – đó là sự thiếu sáng.

Với chân máy bạn còn có thể làm được nhiều điều kỳ diệu hơn thế nửa, thậm chí là có thể chụp ảnh chi tiết trong điều kiện mà mắt người còn không thể nhìn thấy rõ. Trong các trường hợp ánh sáng tốt hơn, thì tripod vẫn hữu ích khi nó giúp chống lại việc rung lắc do cầm máy bằng tay và đương nhiên bức ảnh sẽ sắc nét hơn nhiều.

chan may anh nao tot

Chân máy ảnh nào tốt

Vấn đề là khi nào thì nên sử dụng chân máy? Khi chủ thể là tĩnh vật, bạn luôn nên sử dụng tripod, đó là các bức ảnh phong cảnh, kiến trúc, sản phẩm… Còn khi chụp các sự kiện và chụp chủ thể chuyển động thì bạn không nên sử dụng tripod vì nó có thể làm giảm đi sự linh hoạt của bạn.

Trong một số trường hợp khác như du lịch, bạn không nên sử dụng nếu phải di chuyển một đoạn đường dài cần tối giản trọng lượng mang theo vì một chiếc chân máy máy ảnh thường khá cồng kềnh và làm tăng đáng kể trọng lượng mang theo.

Đương nhiên những điều trên không phải lúc nào cũng đúng, nhưng thường là như thế, nếu đưa ra sự lựa chọn giữa  một chiếc máy kỹ thuật số bán chuyên với một chiếc chân máy và một bộ lens cực tốt, mình vẫn sẽ chọn chiếc chân máy.

Biết khi nào nên sử dụng flash

Nếu bạn cần thêm ánh sáng thì flash sẽ là giải pháp tuyệt vời. Nếu bạn có flash rời ở ngoài hãy gắn vào và đánh flash lên trần nhà để làm mềm ánh sáng và sử dụng tiêu cự từ trung bình (50mm trở lên). Kết quả cho ra sẽ rất bất ngờ đấy, những bức ảnh của bạn sẽ được bù sáng.

Flash không chỉ sử dụng khi điều kiện ánh sáng yếu mà khi điều kiện ánh sáng ngoài trời khi tương phản mạnh đặc biệt là khi giữa trưa chẳng hạn. Bạn bao giờ đã nghe qua từ “fill flash” chưa, nôm na là flash sẽ giúp bù sáng vào những vùng tối để cân bằng ánh sáng lại cho chủ thể, nhiều khi bạn bắt gặp những bức ảnh chụp vào lúc trời nắng tương phản rất cao nhưng chủ thể vẫn không bị ảnh hưởng gì đúng không, có khi đó là câu trả lời cho câu hỏi của bạn.

Đó là công dụng chính của đèn flash tích hợp trên máy đấy, chức năng chính của nó là bù sáng vào lúc ánh sáng mạnh chứ không phải trời tối đâu, khi trời tối tốt nhất bạn nên sử dụng flash rời hơn là flash tích hợp của máy. Giờ thì bạn đã biết  được chiếc đèn flash “vô dụng” tích hợp theo máy dùng để làm gì rồi đấy!

Tận dụng flash cóc tích hợp

Tận dụng flash cóc tích hợp

Vệ sinh ống kính của bạn

Bạn có biết bụi bẩn trên ống kính chính là nguyên nhân chính của những bức ảnh bị mờ mà nhiều người không biết nguyên nhân tại sao không! Nếu bạn không phát hiện ra sớm thì hầu như 100% bức ảnh bạn chụp sẽ bị mờ nhòe một cách khó hiểu.

Dĩ nhiên là nếu vết bẩn không quá lớn thì không quá đáng ngại. Mình nói ở đây có thể là các bạn chưa bao giờ vệ sinh chiếc ống kính của mình và nó đầy dấu vân tay và vết ố. Lời khuyên của mình là các bạn nên vệ sinh ống kính ít nhất 1 tuần 1 lần, ếu chiếc lens của bạn có hiện tượng rễ tre thì hãy nhanh chóng mang nó đi đến các nơi sửa chưa và vệ sinh nó ngay lập tức, đừng để mọi chuyện quá muộn.

Những vết bẩn trên ống kính là thủ phạm gây giảm chất lượng ảnh

Những vết bẩn trên ống kính là thủ phạm gây giảm chất lượng ảnh

Đừng sử dụng kính lọc kém chất lượng

Đó thường là các kính lọc rẻ tiền, như lý do ở trên đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tất cả các bức ảnh bạn chụp bị mờ nhòe một cách  khó hiểu. Riêng mình, khi mới bắt đầu học chụp ảnh đến giờ mình hầu như không sử dụng filter trừ một số trường hợp ánh sáng quá gắt cần sử dụng kính lọc cũng như bảo vệ mắt. Trong đa số trường hợp mình không sử dụng.

Chiếc kính lọc có thể bảo vệ thấu kính của bạn khỏi bụi bẩn nhưng rất, rất dễ khiến cho những bức ảnh của bạn bị mờ nhòe, vì chất lượng kính không thể nào tốt bằng thấu kính của ống kính được, cho nên theo mình thì không cần dùng kính lọc, bạn hãy chịu khó vệ sinh ống kính thường xuyên là được.

Hãy học hậu kỳ cơ bản

Hậu kỳ không phải là điều quan trọng nhất mà một nhiếp ảnh gia phải ưu tiên học đầu tiên nhưng mình khuyên là ai cũng nên biết hậu kỳ. Thỉnh thoảng, nếu hậu kỳ đúng cách bạn sẽ mang lại một làn gió mới cho các tác phẩm của mình. Hoặc ít nhất là hậu kỳ có thể sửa được một số lỗi mà bạn mắc phải khi đi chụp chẳng hạn.

Ví dụ như một bức ảnh thiếu sáng hay hơi thừa sáng nhưng không mất chi tiết ảnh thì hoàn toàn có thể cứu lại được bằng cách hậu kỳ.

Không cần bạn phải là một pro Photoshop, chỉ cần học những thứ cơ bản để phục vụ cho việc chụp ảnh thôi.

Ví dụ như biết cách xóa các vật thể không mong muốn, xóa mụn hay sử dụng các công cụ cơ bản để cân bằng ánh sáng của bức ảnh lại, hoặc nếu biết cách blend màu nửa thì càng tốt. Hiện nay các công cụ hậu kỳ hỗ trợ rất mạnh cho người chụp ảnh. Nếu bạn không biết hậu kỳ thì đó cũng là một thiệt thòi.

Ảnh gốc

Ảnh gốc

Ảnh đã qua hậu kỳ

v

Nhưng cũng đừng quá phụ thuộc vào hậu kỳ, trước tiên phải học cách chụp được các bức ảnh chuẩn chỉnh trước đã chứ không phải lúc nào cũng nghĩ là chụp rồi về hậu kỳ lại, nó sẽ cản trở sự tiến bộ của bạn đấy.

Đối với mình thì mình đã học hậu kỳ trước cả chụp ảnh, vì điều kiện mình đang học IT nên học cũng không quá khó khăn, nếu bạn học sau cũng được, tốt nhất hãy biết hậu kỳ, hậu kỳ cũng là một trend trong nhiếp ảnh đấy.

Hãy sao lưu lại các bức ảnh

Hầu như các nhiếp ảnh gia chụp ảnh lâu năm mà mình biết đều mất đi một số bức ảnh quan trọng của mình ít nhất một lần trong đời vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cho nên đừng để điều đó xảy ra với bạn. Với người mới, mình nghĩ là ít nhất bạn nên có 1 bản copy cho các hình ảnh của mình, ít nhất là các bức ảnh quan trọng là bắt buộc phải có.

Đừng bao giờ lưu ở chỉ 1 ổ đĩa, nó có thể hỏng bất cứ lúc nào bạn không thể biết được đâu, mình thường up những bức ảnh quan trọng của mình lên các dịch vụ lưu trữ đám mây như Google Drive, Onedrive… Tuy nhiên up lên đây có thể sẽ bị giới hạn lưu lượng, nếu có điều kiện bạn có thể mua ổ cứng ngoài để làm phương tiên sao lưu dự phòng khi có sự cố xảy ra.

Đối với mình những bức ảnh là một tài sản quan trọng. Cẩn tắc vô ái náy, cẩn thận không bao giờ là thừa.

Ổ cứng di động 1TB để sao lưu ảnh của mình

Ổ cứng di động 1TB để sao lưu ảnh của mình

Tổ chức các tệp tin một cách khoa học

Tiếp tục nói về vấn đề lưu trữ, bất kể bạn là một người cẩn thận hay là một người rất lôi thôi đi nữa, bạn cũng phải tổ chức các thư mục và lưu trữ các file ảnh một cách khoa học và dễ dàng tìm thấy mỗi khi cần, chắc chắn sẽ có lúc bạn cần đến những bức ảnh cũ.

Cách tổ chức lưu trữ của mình

Cách tổ chức lưu trữ của mình

Bạn cần tổ chức các thư mục một cách có quy luật và dễ nhận biết để tránh xóa nhầm.

Cách tổ chức của mình rất đơn giản, giống như cách mà nhiều người chụp ảnh vẫn thường lưu. Mình tổ chức cây thư mục theo dòng thời gian, mình chỉ tổ chức đến đơn vị tháng, ở mỗi tháng thì mình lưu theo sự kiện không lưu theo thời gian nửa, mình sẽ lưu các thư mục lá này dưới dạng các tên gợi nhớ để khi nhìn qua tên có thể nhớ đến ngay. Và tất cả ảnh bạn cũng nên để trong cây thư mục này đừng để lung tung, để một thời gian dài bạn sẽ quên đấy.

Đó cũng chỉ là một trong rất nhiều cách, bạn có thể tổ chức theo cách khác sao cho dễ nhớ nhất đối với bạn, mình khuyên là các bạn cũng nên tổ chức như mình. Sắp xếp mọi thứ một cách có tổ chức là một thói quen tốt bạn nên duy trì thường xuyên, kể cả khi sao lưu bạn cũng nên tuân thủ các quy tắc đặt ra.

Học hỏi từ người khác

Gặp gỡ các nhiếp ảnh gia khác và học hỏi là một trong những cách học hiệu quả nhất, ở đó bạn sẽ được truyền cảm hứng và những lời khuyên vô cùng hữu ích. Đa số những nhiếp ảnh gia đều là những người yêu nghệ thuật và có tâm hồn cởi mở, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi về những khuất mắt của bạn.

Giao lưu với những bạn chụp ảnh khác

Giao lưu với những bạn chụp ảnh khác

Nếu bạn là một người thích tự tìm tòi ngại tiếp xúc thì cũng không sao, hãy đặt câu hỏi ở các fanpage, hoặc các forum thảo luận về nhiếp ảnh, mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.

Hãy tận hưởng

Nhiếp ảnh là được xem là một loại hình giải trí. Thậm chí là các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khi chọn nghề này hầu hết đều do sự yêu thích cái mới, muốn trải nghiệm và muốn tận hưởng nghệ thuật. Đừng để những ý nghĩ khác như kiếm tiền chi phối bạn.

Hãy tận hưởng đừng đặt nặng vấn đề khác

Hãy tận hưởng đừng đặt nặng vấn đề khác

Mình thấy nhiều người tranh cải quyết liệt về việc lựa chọn sản phẩm nào tốt hơn. Thay vì tham gia vào các cuộc tranh cải như vậy, nó chỉ khiến bạn trở nên bon chen hơn thì hãy đến với nhiếp ảnh bằng đam mê và tận hưởng, hãy hài lòng với những gì bạn đang có và cố gắng hoàn thiện kỹ năng của mình.

Hãy nghĩ về lý do lúc bạn bắt đầu đến với nhiếp ảnh. Mình tin dù lý do là gì thì đa số chúng ta đều đến với nhiếp ảnh vì đam mê, và hầu hết nhiếp ảnh gia nổi tiếng mà mình biết đều đến với nhiếp ảnh với cùng lý do đó.

Chụp thật nhiều và trải nghiệm

Thực hành, thực hành và thực hành. Đó là cách giúp bạn tiến bộ và cải thiện kỹ năng, không chỉ ở bộ môn nhiếp ảnh này. Vâng! Chiếc máy ảnh có thể phức tạp. Việc hậu kỳ có thể khó khăn, khó học, và có thể không có ý tưởng để chụp.

Hãy chăm chỉ thực hành, những vấn đề trên đều có thể giải quyết, mình cũng vậy phải chật vật một thời gian dài thì mọi thứ mới đi vào quỹ đạo được, khi mọi chuyện đã vào đúng form thì diễn biến tiếp theo sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đối với bạn.

Nhiếp ảnh đã mang đến cho mình những trải nghiệm rất thú vị

Nhiếp ảnh đã mang đến cho mình những trải nghiệm rất thú vị

Không thể phủ nhận rằng kinh nghiệm sẽ tăng dần theo số lượng các bức ảnh bạn chụp bất kể nhiều hay ít, bạn có tiến bộ nhanh hay không thôi, sau mỗi chuyến đi, sau mỗi buổi chụp ảnh chắc chắc bạn sẽ nhận ra được một điều gì đó mới mẻ hoặc ít ra bạn cũng nhận ra được vấn đề của mình.

Mình lại nhắc đến câu nói nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson, người mà mình đề cập là người hầu như chỉ sử dụng chiếc lens 50mm trong suốt sự nghiệp của mình:

“10000 bức ảnh đầu tiên của bạn chỉ là 10000 bức ảnh chỉ để trải nghiệm”

Nghe khá cực đoan nhưng ý chính là nhấn mạnh đến việc bạn nên thực hành chăm chỉ để tiến bộ nhanh hơn, chứ không phải cứ chụp xong 10k ảnh đầu tiên là sẽ chụp đẹp đâu nhé. Nói một cách đơn giản thì bạn càng thực hành nhiều, bạn sẽ có càng nhiều ý tưởng, càng nhiều cách để chuyển thể ý tưởng của mình thành sản phẩm cụ thể.

Cái đích cuối cùng mà bạn cần hướng tới đó là chuyển đổi những hình ảnh xuất hiện trong đầu bạn, bà những cảm xúc bạn đang cảm nhận vào các bức ảnh và giúp cho mọi người hiểu được điều đó.

Lời kết

Trên đây là bài viết cuối cùng của mình trong series về nhiếp ảnh căn bản của mình, sau bài viết này mình sẽ có những bài viết khác chuyên sâu hơn về một vấn đề cụ thể trong nhiếp ảnh. Chúc các bạn thực hành tốt và ngày càng tiến bộ và nếu như có câu hỏi hoặc góp ý nào khác liên quan đến bài viết thì đừng quên để lại lời bình của bạn trong phần dưới đây.

Cảm ơn các bạn vì đã dành thời gian đọc bài viết này!

Phạm Khang
Phạm Khang

Chào mọi người, mình là Khang, là dân IT, sở thích của mình là Street Workout, Du lịch, và Nhiếp ảnh. Phương châm viết bài của mình là cung cấp thông tin đến với tất cả mọi người một cách dễ hiểu nhất. Hy vọng những bài viết của mình có thể giúp ích được cho mọi người !

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Thủ thuật máy tính - Tin học dành cho bạn
Logo