Nhiếp ảnh cơ bản: ISO là gì và những điều cần biết về ISO

5/5 - (2 bình chọn)

Ở bài viết trước ta đã biết được khẩu độ – Aperture tốc độ màn trập – Shutter Speed là gì, hôm nay chúng ta sẽ đến yếu tố thứ ba tạo nên sự cân bằng sáng cho một bức ảnh đó là ISO.

ISO là một trong 3 thành tố quan trọng nhất trong nhiếp ảnh, và nó cũng có những ảnh hưởng đáng kể tới bức ảnh của bạn. ISO ảnh hưởng đến bức ảnh của bạn như thế nào? Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu về ISO cho những người mới và cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất có thể.

ISO là gì?

Hiểu một cách cơ bản nhất, ISO đơn giản là một cài đặt của máy ảnh nó có tác dụng lớn nhất là điều chỉnh ánh sáng của bức ảnh, sáng hơn hoặc tối hơn. Khi bạn tăng ISO thì bức ảnh sáng hơn, khi bạn giảm ISO thì bức ảnh tối hơn. Vì lý do này ISO sẽ giúp ảnh cho bạn khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, hoặc trong một số trường hợp đặc biệt mà bạn không muốn ảnh hưởng đến tốc độ và khẩu độ.

Ảnh chụp với các giá trị ISO khác nhau

Ảnh chụp với các giá trị ISO khác nhau

Tuy nhiên, việc làm dụng ISO để tăng sáng cho bức ảnh sẽ dẫn đến những hiệu ứng không hay cho bức ảnh của bạn. Một bức ảnh được chụp với mức ISO quá cao sẽ bị hạt (grain) hay còn gọi là bị nhiễu (noise), trong một số trường hợp bức ảnh sẽ không dùng được.

Cho nên, việc điều chỉnh ánh sáng dựa trên ISO là một việc mạo hiểm vào nên cân nhắc kĩ, chỉ nên tính đến việc điều chỉnh ISO khi đây là phương án cuối cùng. Bạn chỉ nên tăng ISO khi không thể làm sáng bức ảnh thông qua việc điều chỉnh các giá trị của tốc độ màn trập và khẩu độ (ví dụ trong trường hợp nếu bạn tiếp tục giảm tốc độ chụp để làm sáng bức ảnh thì bức ảnh sẽ bị nhòe chẳng hạn).

Một bức ảnh chụp ở ISO 6400

Một bức ảnh chụp ở ISO 6400

Ý nghĩa của ISO

Từ ISO là từ viết tắt của “International Organization for Standardization” có nghĩa là tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ISO trên camera không có nghĩa là tổ chức tạo ra các tiêu chuẩn công nghệ và sản phẩm. Kể từ khi hai tổ chức tiêu chuẩn cho film gọi là ASA và DIN gộp lại thành tiêu chuẩn ISO năm 1974 (sau đó họ còn đưa ra tiêu chuẩn cho cả film và ảnh kỹ thuật số), và từ ISO ra đời vào thời điểm đó.

Mặc dù ISO ban đầu chỉ được đưa ra để đo độ nhạy của film trên các máy film, nhưng sau này các nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số đã quyết định dùng luôn từ này cho mục đích đo độ nhạy sáng trên cảm biến như trên film.

Các giá trị ISO thông dụng

Mỗi chiếc máy ảnh có một dãy giá trị ISO khác nhau (thi thoảng người ta gọi là tốc độ ISO, mình sẽ giải thích sau) mà bạn có thể sử dụng. Có thể kể đến một số giá trị ISO thông dụng như sau:

  • ISO 100 (thấp)
  • ISO 200
  • ISO 400
  • ISO 800
  • ISO 1600
  • ISO 3200
  • ISO 6400 (cao
dãy ISO trên canon 700D

Dãy ISO trên canon 700D

Có một các đơn giản để suy ra phần tử ngay sau trong dãy ISO là nhân đôi giá trị trước đó, khi đó đồng nghĩa với việc bạn đã nhân đôi ánh sáng của bức ảnh lên, cho nên một bức ảnh ở ISO 800 sáng gấp hai lần so với một bức ảnh ở ISO 400 và gấp 4 lần so với một bức ảnh ở ISO 200 (trong cùng một điều kiện, các thông số khác giống nhau và chỉ thay đổi ISO)

Mức ISO nào là căn bản?

Giá trị ISO thấp nhất trên chiếc máy ảnh của bạn được gọi là “giá trị ISO căn bản”. Đây là một thiết lập rất quan trọng, bởi vì khi chụp ở mức ISO căn bản này thì chất lượng hình ảnh sẽ là cao nhất, giảm thiểu tối đa nhiễu.

Chỉ một số dòng máy kỹ thuật số và một số loại máy ảnh hiện đại ngày nay, ví dụ như Fuji X-T2 có mức ISO cơ bản là 200, còn đa số phần còn lại đều có mức ISO cơ bản là 100. Và một lời khuyên cho bạn là hãy luôn luôn để ISO về mức cơ bản để đảm bảo chất lượng hình ảnh là cao nhất, thậm chí một số nhiếp ảnh gia chấp nhận mang theo chân máy để chụp thay vì phải điều chỉnh ISO khỏi mức cơ bản. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng làm được, đặc biệt là trong trường hợp ánh sáng yếu, đôi khi bạn phải chấp nhận đánh đổi.

Một vài lưu ý: Một số dòng máy mở rộng ISO vượt các ngưỡng cao và thấp của ISO, khi bạn dùng các giá trị này có thể gây ra những hiệu ứng không tốt đối với bức ảnh của bạn và gần như chất lượng bức ảnh của bạn sẽ không được cao, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng các giá trị này.

ISO thấp, ISO cao và sự nhiễu

Để minh họa mình sẽ đưa ra hai bức ảnh mà mình chụp ở 2 giá trị ISO để bạn có thể hình dung được sự ảnh hưởng của việc điều chỉnh ISO. Hãy nhìn và so sánh sự khác biệt của hai bức ảnh dưới đây, hãy chú ý đến mức độ nhiễu (bị hạt và sự mịn trong các bức ảnh).

ISO cao khiến chất lượng ảnh giảm

ISO cao khiến chất lượng ảnh giảm

Sự khác biệt là rất rõ ràng – bức ảnh với ISO 6400 bị nhiễu nhiều hơn một cách đáng kể so với bức ảnh ở ISO 100 (mình đã giảm tốc độ chụp xuống để đẩy ảnh sáng của bức ảnh lên). Rõ ràng bức ảnh ở ISO 6400 chất lượng đã bị giảm đáng kể, đó là lý do tại sao bạn nên tránh sử dụng mức ISO cao bất cứ khi nào có thể, nếu điều kiện không bắt buộc bạn phải làm vậy.

Cách điều chỉnh ISO

Cách thay đổi giá trị của ISO thay đổi tùy thuộc vào từng loại và từng dòng máy ảnh khác nhau, mỗi hãng sản xuất có một cách điều chỉnh khác nhau.

  • Để có thể điều chỉnh, hãy vào chế độ cho phép bạn có thể tự chỉnh được ISO. Hãy thoát khỏi các chế độ Auto, và chuyển sang các chế độ như Chế độ chỉnh tay, chế độ ưu tiên khẩu độ, chế độ ưu tiên tốc độ (chúng ta thường có xu hướng sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ và chỉnh tay nhiều hơn, đối với mình thì gần như mình làm việc chính với chế độ ưu tiên khẩu độ).
  • Một số dòng máy ảnh Entry-level và một số loại máy ảnh không gương lật Microless, bạn cần phải mở menu (có thể là quick menu) để tìm thấy vị trí của ISO. Lựa chọn giá trị mà bạn muốn, hoặc bạn cũng có thể để ISO là Auto.
  • Với các dòng máy ảnh cao cấp hơn, có thể nhà sản xuất sẽ trang bị cho chiếc máy ảnh một nút bấm ISO riêng. Hãy nhấn nút này sau đó xoay một trong những bánh xe thường là bánh xe gần nút chụp để thay đổi giá trị của nó. Nếu bạn không thấy nút có nhãn là ISO, thì cũng có thể nhà sản xuất cho phép bạn tùy chỉnh các nút sẵn có thành nút ISO. Ví dụ như chiếc Canon 700D của mình, nó được trang bị một nút ISO và điều chỉnh bằng vòng xoay ngay gần nút chụp.
Nút ISO trên canon 700D

Nút ISO trên canon 700D

  • Một số dòng máy ảnh khác có thể còn có cả một vòng xoay với các giá trị ISO, khi đó việc điều chỉnh ISO còn dễ hơn nửa.

Hãy kiểm tra chiếc máy ảnh của bạn nếu bạn vẫn chưa biết được. Tuy việc thay đổi ISO khỏi giá trị cơ bản có thể làm giảm chất lượng ảnh nhưng có thể bạn phải thay đổi giá trị này khá thường xuyên nên hay tìm hiểu các để thay đổi ISO một cách nhanh chóng. Đặc biệt là khi bạn chụp trong điều kiện thiếu sáng mà không có tripod và đèn flash.

Nên sử dụng giá trị ISO nào?

Đa số các nhiếp ảnh gia đều hiểu cơ bản về ISO, nhưng họ không chắc đuộc mức ISO là phù hợp cho trường hợp nào. Trong thực tế, có một lý do tại sao máy ảnh thường cho phép chúng ta điều chỉnh với một dãy ISO khá rộng, một số máy có thể lên đến 51200. Những trường hợp khác nhau sẽ cần đến các mức ISO khác nhau. Dưới đây là những trường hợp cụ thể mà bạn nên sử dụng các giá trị ISO.

1. Khi nào nên sử dụng giá trị ISO thấp

Như đã nói ở trên, bạn nên lựa chọn giá trị thấp nhất của ISO (giá trị cơ bản) của chiếc máy ảnh, thường là 100 hoặc 200, bất cứ khi nào bạn có thể hãy để giá trị cơ bản này. Nếu đó là trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, bạn tự do sử dụng giá trị ISO thấp và hạn chế tối đa sự xuất hiện của hiện tượng nhiễu thì càng tốt.

Thậm chí trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc trời tối, bạn vẫn có thể sử dụng ISO thấp. Ví dụ, nếu bạn đặt chiếc máy ảnh trên Tripod hoặc đặt hoàn toàn trên một chiếc bàn, sự rung lắc lúc này gần như không có. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng ISO và tăng sáng cho bức ảnh bằng cách kéo dài tốc độ chụp.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nếu bạn để tốc độ chụp lâu, bất cứ vật thể chuyển động nào xuất hiện trong khung hình trong khoảng thời gian chụp sẽ có hiện ứng chuyển động như một bóng ma vậy.

Như bức ảnh này chẳng hạn.

hiệu ứng bóng ma

Hiệu ứng bóng ma

(Nguồn:Photographylife)

2. Khi nào nên sử dụng ISO cao

Thậm chí đó là trong trường hợp lý tưởng để sử dụng ISO thấp, có khá nhiều trường hợp mà bạn cần phải sử dụng ISO cao để chụp một bức ảnh chất lượng ngay lần chụp đầu tiên. Lý do đơn giản là các nhiếp ảnh gia thường phải đối mặt với trường hợp buộc phải đưa ra quyết định để chống lại hiện tường ảnh bị nhòe, mất nét hoặc là họ chọn một bức ảnh nét ở mức ISO cao hay một bức ảnh bị nhòe ở mức ISO thấp. Hãy nhìn vào bức ảnh dưới đây.

Ảnh chụp thể thao tốc độ cao

Ảnh chụp thể thao tốc độ cao

Bức ảnh chụp thể thao ISO 800 và tốc độ chụp 1/1000s.

Mình chụp pha bóng này ở tốc độ 1/1000 và ISO 800. Ở đây, chiếc máy ảnh của mình cần tốc độ chụp đủ nhanh để đóng băng chuyển động của các cầu thủ đang thi đấu.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình chụp bức ảnh này ở ISO 100 thay vào đó khi đó ánh sáng của bức ảnh sẽ giảm 8 lần vì ISO giảm 8 lần vì vậy phải kéo dài tốc độ chụp lên 8 lần tức là khi đó tốc độ chụp là 1/125 để bức ảnh được đủ sáng nhưng mà theo bài viết về tốc độ màn trập của mình với tốc độ chụp này không thể đóng băng chuyển động của các cầu thủ đang vận động liên tục như vậy được, sẽ có rất nhiều chi tiết bị nhòe trong bức ảnh, bức ảnh sẽ không mang nhiều giá trị. Tóm lại, bức ảnh sẽ bị hỏng. (dù bức ảnh không hoàn toàn nét nhưng vẫn chấp nhận được ^^).

Lời khuyên của mình: Bạn nên tăng ISO khi điều kiện ánh sáng không đủ cho máy ảnh của bạn chụp được một bức ảnh nét, đủ sáng với mọi cách ngoại trừ tăng ISO. Khi đi chụp ảnh indoor (chụp với điều kiện ánh sáng trong nhà) mà không có đèn flash mình luôn để ISO cao hơn mức cơ bản, đôi khi là Auto để bắt trọn những khoảnh khắc mà không bị nhòe mờ.

Hoặc là khi chụp các thể loại mà chủ thể chuyển động nhiều và nhanh như thể thao hoặc là chụp động vật hoang dã, việc tăng ISO là cần thiết vì lúc này yếu tố khoảnh khắc đắt hơn là yếu tố sắc nét.

Ảnh thể thao

Ảnh thể thao

Trên hầu hết các máy ảnh, có một chế độ đó là Auto ISO, nó hoạt động khá tốt trong điều kiện ánh sáng yếu. Cái hay của chế độ này là bạn có thể giới hạn được mức ISO tối đa mà bạn muốn sử dụng, cho nên máy ảnh của bạn sẽ không vượt quá ngưỡng này dẫn đến việc chất lượng ảnh bị giảm đi nhiều.

Theo mình thấy, nếu muốn hạn chế sự nhiễu trong ảnh chụp ra, mình sẽ đặt mức ISO tối đa là 800, 1600 hoặc là 3200. Mặc trái của nó là tốc độ chụp sẽ bị kéo dài hơn nếu như mức ISO đã đạt đến giới hạn mà bạn quy định, điều này dẫn đến bức ảnh của bạn có thể bị nhòe. Tất cả đều có sự đánh đổi.

Hạn chế tối thiểu nhiễu và tối ưu hóa chất lượng hình ảnh

Một số nhiếp ảnh gia nghĩ rằng cách tốt nhất để chụp một bức ảnh chất lượng tốt nhất là sử dụng giá trị ISO cơ bản trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, như mình đã minh họa ở trên, điều đó không hoàn toàn đúng. Thi thoảng, bạn sẽ ở trong một điều kiện mà môi trường không đủ ảnh sáng khi đó bạn không còn lựa chọn nào khác là sử dụng một mức ISO cao.

Bạn chỉ nên sử dụng giá trị ISO cơ bản khi đã có đủ ánh sáng vào khẩu độ, tốc độ màn trập đã đáp ứng được mục đích chụp ảnh của mình. Đừng bắt buộc mình phải dùng mức ISO cơ bản là 100 hay 200 trong mội môi trường tối, hoặc là bức ảnh bạn chụp ra sẽ bị tối om.

Tương tự như vậy, nếu bạn sử dụng một tốc độ màn trập nhanh để ghi lại các hành động, điều này cũng tương tự như việc bạn phải chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu vậy (vì bạn phải giới hạn thời gian để cảm biến có thể nhận được lượng ánh sáng). Cho nên, trong những trường hợp cụ thể như thể thao hoặc chụp hành động, một giá trị ISO cao có thể là lựa chọn duy nhất.

Để tối ưu hóa chất lượng hình ảnh, có 4 bước bạn cần phải tuân thủ:

  1. Chọn khẩu độ mà sẽ cung cấp cho bạn một độ sâu trường ảnh mong muốn (hãy xem lại độ sâu trường ảnh cho từng mục đích khác nhau trong bài viết về khẩu độ của mình).
  2. Điều chỉnh ISO về mức căn bản (100 hoặc 200), và để tốc độ màn trập về bất cứ giá trị nào mà bạn thấy bức ảnh đủ sáng (quan sát trên màn hình).
  3. Nếu chủ thể bị nhòe, điều chỉnh ISO tăng lên và tăng tốc độ chụp, cứ làm như vậy có đến khi không còn hiện tường mờ nhòe xuất hiện nửa (việc điều chỉnh này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, thực hành nhiều bạn sẽ làm chủ được nó)
  4. Nếu ISO đã ở mức quá cao không nên tăng tiếp và khẩu độ vẫn có thể mở rộng hơn nửa, thì hãy mở khẩu độ cho đến khi ISO ở mức có thể chấp nhận được, thậm chí bạn có thể phải hi sinh sự mong muốn của mình về độ sâu trường ảnh (còn hơn là nhận lại 1 tấm ảnh hỏng).
một bức ảnh chụp với ISO được đẩy lên 800

Một bức ảnh chụp với ISO được đẩy lên 800

Đó là tất cả, nếu bạn tuân theo các bước này, bạn sẽ chụp được những bức ảnh với chất lượng được tối ưu. Bạn sẽ thấy một sự cân bằng lý tưởng giữa sự nhiễu, sự nhòe  và về độ sâu trường ảnh.

Một vài điều thú vị về ISO và những sai lầm khi nói về ISO

ISO là một yếu tố thú vị và mang nhiều điều bí ẩn đối với nhiều người, bao gồm cả những điều mà mọi người thường nghe thấy. Ở phần này, chúng ta sẽ điểm nhanh qua một số điểm về vấn đề này để bạn sẽ không hiểu nhầm:

nhung dieu thu vi ve iso

1. Có phải ISO đại diện cho độ nhạy của cảm biến

Đây là một điều bí ẩn liên quan đến ISO. Bạn có thể nhìn thấy điều này trên web (hoặc trên tài liệu nào đó). Tuy nhiên, mặc dù vậy thì cảm biến kỹ thuật số chỉ có một độ nhạy duy nhất nhưng ISO không phải là đại lượng đặt trưng cho độ nhạy.

ISO giống như là một sự chỉ dẫn cho chiếc máy ảnh biết được nên phân bố ánh sáng ở bức ảnh chụp ra như thế nào với cùng một lượng ánh sáng đi vào vì vậy mới có hiện tượng ISO cao thì ảnh bị nhiễu và hạt.

2. ISO là một phần của sự đo sáng

Không bạn hoàn toàn hiểu nhầm rồi, ISO là một phần của “tam giác đo sáng” nhưng nó không dùng để đo sáng, người ta dùng khẩu độ và tốc độ màn trập để đo sáng. ISO không làm việc đó, người ta sử dụng ISO giống như một phương tiện hỗ trợ, chữa cháy khi mà đã điều chỉnh khẩu độ và tốc độ chụp rồi mà vẫn chưa thể đạt được mức đo sáng ưng ý.

Nếu nó dùng để đo sáng thì nó chỉ ảnh hưởng tới ánh sáng và độ mờ nhòe của ảnh chứ không làm giảm chất lượng của ảnh và biến đổi các pixel đầu ra như vậy.

3. Việc tăng sáng bằng ISO giống như việc kéo sáng băng hậu kỳ với các phần mềm như Photoshop, Lightroom

Đây là một câu hỏi thông minh, nhưng một lần nửa đây là một quan niệm sai lầm. Việc nâng sáng bức ảnh trên máy tính có thể giống việc nâng sáng bằng việc tăng ISO, vì nó cũng khiến bức ảnh bị nhiễu hoặc bị hạt.

Nhưng sự khác biệt đơn giản là việc nâng sáng bằng ISO trên máy ảnh gần như luôn luôn cho ra chất lượng hình ảnh tốt hơn so với việc nâng sáng bằng các công cụ hậu kỳ trên máy tính. Nói cách khác, sẽ tốt hơn nếu bạn sử dụng ISO 800, thay vì để ISO 100 và về hậu kỳ lại.

4. ISO lý tưởng nhất cho ảnh phong cảnh

Khi chụp ảnh phong cảnh, điều cần thiết là bức ảnh chụp được cho ra chất lượng càng cao càng tốt nên mình khuyên là các bạn nên chụp bằng tripod và để ISO về mức cơ bản (100 hoặc 200), vì đặc thù của ảnh phong cảnh là điểm đắt của nó không phải là khoảnh khắc mà là góc nhìn và độ nét do đó bạn không thể chữa cháy bằng cách tăng ISO được.

Một điều các bạn cần lưu ý là mặc dù việc tăng ISO sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ảnh nhưng mà sự khác biệt giữa những mức ISO gần với giá trị ISO cơ bản là không quá lớn nên đừng cố giữ khư khư mức ISO cơ bản, đôi khi chụp với ISO cao hơn một ít cũng không sao.

Sự khác biệt này còn tùy thuộc vào độ lớn của cảm biến (về độ lớn của từng cảm biến mình có đề cập trong bài viết này.). Thông thường đối với dòng máy Crop thì ISO đến mức 3200 thì chất lượng ảnh vẫn chấp nhận được. Còn đối với các dòng máy Full-frame cảm  biến lớn thì mức ISO 6400 vẫn chấp nhận được, một số dòng máy mức ISO chấp nhận được có thể lên đến 12800.

Lời kết

Trên đây là bài viết của mình về ISO, mình định sẽ có một bài viết riêng về kết hợp cả 3 yếu tố của tam giác đo sángAperture, Shutter Speed và ISO để cân bằng sáng nhưng ở bài viết trước mình nghĩ là các bạn có thể vận dụng để thực hành được rồi.

Hãy nhớ quy tắc 4 bước mình đề cập ở phần tối ưu chất lượng hình ảnh trong bài viết này, nó là kinh nghiệm đã được các nhiếp ảnh gia hàng đầu đúc kết mà mình cũng coi đó như là một bí kíp gối đầu giường của mình mỗi khi bấm máy. Bài viết sau mình sẽ giới thiệu với các bạn về một yếu tố khác của máy ảnh đó là chế độ đo sáng.

Cám ơn các bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết!

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Đánh giá
Inline Feedbacks
View all comments
Thủ thuật máy tính - Tin học dành cho bạn
Logo