Làm thế nào để chụp được một bức ảnh sắc nét [Phần 1]

5/5 - (2 bình chọn)

Chào các bạn, như ở bài viết trước mình đã đề cập, bài viết hôm nay sẽ nói về những kỹ năng, ứng biến để có thể chụp được một bức ảnh sắc nét. Nếu chưa đọc bài viết trước của mình về lấy nét trong nhiếp ảnh thì mình khuyên là bạn hãy đọc bài viết trước trước khi sang bài viết này.

Bất kỳ nhiếp ảnh gia nào cũng muốn bức ảnh mình chụp ra sắc nét đúng chủ thể cả và dưới đây là những trường hợp điển hình trong các tình huống khác nhau, nào cùng bắt đầu thôi. Một trong những điều đau đầu của nhiều người chụp ảnh là những bức ảnh bị soft và nhòe. Những bức ảnh sắc nét đương nhiên sẽ lôi cuốn người xem hơn là những bức ảnh bị soft. Sẽ thật thất vọng nếu bạn chụp được một khoảnh khắc đặc biệt nào đó nhưng nó lại bị mờ/soft bởi vì out nét.

Trong bài viết này mình sẽ cố gắng đưa ra những kỹ thuật để giúp bạn có thể đảm bảo rẳng bức ảnh chụp ra luôn luôn sắc nét. Do có rất nhiều kỹ thuật cũng như mẹo để giúp bạn chụp một bức ảnh  sắc nét hơn nên mình sẽ chia bài viết này ra thành 2 phần để các bạn có thể tiếp thu một cách cặn kẽ hơn. Nào cùng bắt đầu thôi.

Lý do ảnh bị blur/soft

Trước khi vào những kỹ thuật cụ thể thì chúng ta cũng điểm qua những nguyên nhân khiến ảnh bị mờ nhờ hay soft:

Ảnh bị nhòe do để tốc quá chậm

Do tốc độ chụp lâu, khi bạn để tốc chụp thấp thấp thì việc sẽ khó giảm được sự ảnh hưởng của việc rung lắc, điều này sẽ khiến bức ảnh của bạn bị mờ nhòe.

Chủ thể của bạn chuyển động gây nên hiệu ứng gọi là motion blur dù bạn chụp bằng chân máy không rung lắc đi chăng nửa, nguyên nhân chính là do bạn đã để tốc chụp quá chậm.

Lấy nét sai cách, điều này là nguyên nhân phổ biến khiến cho bức ảnh bị soft.

Những vấn đề với chiếc ống kính của bạn: có thể nó bị hỏng hoặc là chiếc lens không tương thích với máy dẫn đến bức ảnh chụp ra không được sắc nét.

Do ISO quá cao dẫn đến ảnh bị nhiễu quá nhiều mất chi tiết.

Trên là những lý do phổ biến khiến cho bức ảnh của bạn bị out nét và bị blur/soft, để giải quyết những vấn đề này, bạn cần xác định đúng vấn đề mà bạn đang mắc phải, và tìm hướng giải quyết để tối ưu hóa độ nét của bức ảnh. Ngoài ra còn một vài lý do nửa khiến cho bức ảnh của bạn không được sắc nét như ý, nhưng ít gặp hơn, mình sẽ đề cập đến ở phần sau.

Làm thế nào để chụp một bức ảnh sắc nét

Thiết lập đúng ISO

Hãy cài đặt ISO về mức căn bản (ở máy Canon là 100). Hãy nhớ rằng ISO căn bản sẽ cho ra chất lượng hình ảnh tốt nhất với bức ảnh sắc nét nhất có thể. ISO càng cao thì bức ảnh sẽ càng bị nhiễu. Những cũng có một số trường hợp ISO bắt buộc phải để ở mức cao hơn, nếu bạn muốn biết thêm hãy đọc lại bài viết về ISO của mình.

Quy tắc Hand-holding

Chẳng biết phải dịch thế nào nên mình để nguyên bản, nếu bạn dùng chiếc lens có tiêu cự từ 100mm trở lên thì mình khuyên bạn nên áp dụng nguyên tắc này khi bấm máy (trừ khi bạn dùng chân máy thì không nói). Đại loại nguyên tắc này nói về sự tương đương giữa độ dài tiêu cự với tốc độ màn trập, tốc độ màn trập khi bấm máy phải bằng hoặc lớn hơn tiêu cự đang dùng. Ví dụ, bạn đang dùng tiêu cự 125mm thì tốc độ màn trập chậm nhất phải là 1/125 s (tương đương với mẫu số).

Hãy nhớ rằng tiêu cự được tính trên chuẩn cảm biến 35mm full-frame nếu bạn dùng các dòng máy crop hay microless thì bạn phải quy đổi tiêu cự về tiêu cự chuẩn nếu bạn không nhớ thì hãy đọc lại bài viết về độ dài tiêu cự ống kính của mình. Ví dụ chiếc Canon 700D của mình có cảm biến crop với hệ số crop là 1.6 mình đang dùng một chiếc lens zoom và chụp ở tiêu cự 200mm thì lúc này tiêu cự chuẩn tương đương là 200×1.6 = 320mm như vậy tốc độ chụp chậm nhất phải là 1/320 s (tính toán như vậy nhưng mình sẽ dùng 1/500 cho chắc ăn).

Và hãy nhớ rằng cách này chỉ chính xác khi chụp vật thể không chuyển động vì nó chỉ giảm được tác động của việc rung lắc máy gây nên hiệu ứng mờ nhòe còn đối với vật thể chuyển động nhanh thì bạn tốt nhất nên sử dụng tốc độ nhanh hơn nửa ( Theo mình thì nên cộng con số đã tính được với con số thích hợp cho từng thể loại ảnh mình đã đề cập trong bài viết về tốc độ màn trập) để có được bức ảnh sắc nét.

Bức ảnh được chụp với 105mm tốc 1/150 giây

Hãy chọn chế độ chụp phù hợp

Khi mình chụp với điều kiện ánh sáng yếu thì gần như 99% mình sẽ sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ (A,Av) và đưa khẩu độ về độ mở to nhất có thể (tương ứng với number nhỏ nhất trong ký hiệu f/[number]) – thường là từ 1.4 -5.6 tùy từng loại ống kính. (Ví dụ như chiếc Canon 50mm STM f/1.8 của mình, mình sẽ đưa về khẩu độ mở f/1.8).

Lúc này máy sẽ tự động đo sáng và đưa ra tốc độ chụp phù hợp để bức ảnh của bạn vẫn đủ sáng. Lúc này bạn có thể điều lại dự đoán của máy ảnh bằng cách thay đo sáng đi (bằng cách tăng ISO chẳng hạn, hoặc nếu tốc vẫn rất lớn thì khép bớt khẩu lại). Cho nên hãy cài đặt máy ảnh về chế độ ưu tiên khẩu độ để khẩu mở to nhất rồi điều chỉnh sau.

Chọn chế độ chụp phù hợp

Lưu ý là hãy để chế độ đo sáng về toàn cục (Matrix ở Nikon và Evaluative ở Canon) khi đó toàn bộ khung hình sẽ được đo sáng, lúc này tốc độ chụp được máy đưa ra là đáng tin cậy nhất.

Chọn tốc độ chụp đủ nhanh

Sau khi bạn đã thiết lập máy về chế độ ưu tiên khẩu độ và chọn đúng chế độ đo sáng rồi, thì lúc này hãy nhấn nút  lấy nét (Nút AF-On mình đề cập ở bài trước hoặc ½ nút chụp) để kích hoạt chế độ tự động lấy nét của máy cũng như để máy tính toán được tốc độ chụp (nếu dùng viewfinder sẽ nhanh hơn đấy):

– Nếu tốc độ chụp là 1/100 hoặc nhanh hơn, thì bạn có thể chụp được với các thông số này, nếu vật thể không chuyển động nhanh nhé (nếu bạn dùng một chiếc lens tele thì nhớ lại quy tắc Hand-holding nhé). Chụp thử 1, 2 bức ảnh để xem xem bức ảnh của mình có bị mờ nhòe gì hay không nhé. Nếu có bất cứ dấu hiệu mờ nhòe nào – trong toàn khung hình hoặc vật thể bạn định chụp (nó chuyển động chẳng hạn) – thì tốt nhất nên tăng tốc độ chụp nhanh hơn nửa nhé, hãy thử với 1/250 hoặc 1/500.

Hãy chọn tốc độ đủ nhanh để bắt kịp chuyển động của chủ thể

Mặc khác nếu máy đưa ra ước tính tốc độ chụp dưới 1/100 hoặc thấp hơn, thì nhiều khả năng là bức ảnh của bạn đang thiếu sáng. Nếu bạn đang trong điều kiện trong nhà điều kiện ánh sáng yếu, hãy tìm cửa sổ và mở ra để ánh sáng tự nhiên lọt vào phòng, có thể tốc độ chụp sẽ được cải thiện. T

hường thì chúng ta vẫn có thể chụp được những bức ảnh sắc nét mà không cần chân máy với tốc độ chụp nhanh hơn 1/100, nhưng mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu tốc độ chụp bị dưới 1/100.

Tăng ISO khi chụp ở điều kiện ánh sáng yếu

Như mình đã nói ở trên, ở trường hợp mở cửa sổ ra mà vẫn không cải thiện được tốc độ chụp thì dường như chúng ta đã rơi vào thế bí. Nếu bức ảnh vẫn bị mờ nhòe thì hãy cố gắng giữ máy thật vững và chụp lại một bức ảnh khác.

Và cách này vẫn không có tác dụng thì lúc nãy hãy tính đến một cách khả dĩ đó là tăng tốc độ chụp lên để bức ảnh được sắc nét và tăng ISO. Bạn có thể làm việc này bằng cách để ISO ở chế độ tự động (mình sẽ nói rõ hơn ở phần tiếp theo đây) hoặc là tăng ISO bằng cách thủ công.

Trong điều kiện trời tối, thì việc sử dụng ISO cao thường được tính đến vì lúc này để tốc độ cao mà vẫn giữ nguyên ISO thì gần như chắc chắc ảnh sẽ bị mất nét nếu không có chân máy. Mặc dù ảnh có thể bị nhiễu (noise) hay bị hạt (grain), nhưng thà rằng chụp một tấm ảnh bị noise còn hơn là chụp một bức ảnh bị mờ nhòe không thấy gì cả.

ISO 800

Sử dụng chế độ Auto ISO

Hầu hết các máy ảnh ngày nay đều có chế độ Auto ISO, chế độ này rất hữu dụng trong nhiều trường hợp để chụp được một tấm ảnh sắc nét. Cho nên hãy bật On cho chế độ này. Để ISO max auto là 1600 (1600 thôi cho dỡ nhiễu).

Nếu máy bạn có chế độ chọn được giá trị nhỏ nhất của tốc độ thì hãy thiết lập tốc chụp về auto luôn, điều này sẽ giúp bạn luôn tuân thủ được quy tăc Hand-holding mình đã đề cập ở trên. Nếu máy của bạn không có chế độ auto tốc độ chụp chỉ hãy để tốc độ chụp nhỏ nhất là 1/100s.

Hãy sử dụng chế độ Auto ISO của máy nếu có

Auto ISO là một chế độ rất hữu ích, nếu lượng ánh sáng vào ống kính bị giảm đi và tốc độ chụp xuống ở mức chậm hơn 1/100 của một giây, thì lúc này ISO sẽ được đẩy lên để giúp cho tốc độ chụp luôn mở mức từ 1/100 giây trở lên, hoặc là ở mức trên trong quy tắc Hand-holding mình đã đề cập.

Nếu tay bạn hơi rung (như tay mình chẳng hạn, mình hay tập workout nên tay bị rung) thì hãy xác định cho mình tốc độ chụp nhỏ nhất là 1/200 hoặc là 1/250 . Hoặc là nếu máy bạn có chế độ tự động chọn tốc chụp thì hãy để giới hạn nó nhanh hơn ngưỡng an toàn. Bạn cũng có thể xem lại bài viết về nhập môn nhiếp ảnh của mình, mình có đề cập đến cách cầm máy ở các tư thế sao cho giảm thiểu rung lắc nhất có thể.

Một số dòng máy ảnh không chó chức năng tự động lựa chọn giá trị ISO. Trong trường hợp này, bạn phải điều chỉnh ISO thủ công để đảm bảo được các quy tắc trên. Chỉ tăng ISO trong điều kiện ánh sáng yếu và chỉ tăng đến khi tốc độ chụp đạt ở mức an toàn không nên tăng quá cao để đẩy tốc lên cao lên quá so với mức an toàn, điều này không cần thiết và sẽ khiến cho bức ảnh của bạn bị hỏng. Mình không khuyến khích các bạn tăng ISO lên đến ngưỡng vượt quá 1600 hoặc vượt quá 3200 trừ những trường hợp bất khả kháng.

Tại sao không? Vì đơn giản vì sau mức này thì thường ảnh sẽ bị nhiễu quá mức và bức ảnh sẽ không còn nhiều giá trị đó là trên các máy DSLR dòng entry-level trên các máy crop hay microless thậm chí mức chấp nhận được chỉ ở ISO 800.

Cầm máy thật vững

Khi giữ máy bằng tay, tốc độ chụp và độ mờ nhòe của ảnh sẽ liên hệ mật thiết với nhau. Tốc độ chụp càng chậm thì bức ảnh càng bị nhòe (đặc biệt là khi tốc độ chụp dưới 1/100 giây). Bởi vì trong khi giữ máy bằng tay thì tư thế đứng, nhịp thở, kỹ thuật cầm máy tất cả đều sẽ gây ra hiện tượng rung máy, không ít thì nhiều tùy mỗi người, điều này làm gây ra sự mở nhòe cho bức ảnh.

Cầm máy thật vững đặc biệt là khi chụp ở tốc thấp

Hãy tưởng tượng giống như bạn đang cầm trên tay một khẩu súng trường, bạn không nên vừa đi vừa bắn, bạn cần phải đứng càng vững càng tốt, để báng súng tựa lên vào, nín thở hoặc thở thật nhẹ, và .. bắn. Như vậy phát súng sẽ chính xác hơn. Với nhiếp ảnh cũng vậy, đặt biệt là khi bạn chụp với tốc chụp chậm.

Mình khuyên các bạn nên giữ máy ảnh giảm rung lắc tối đa có thể như cách cầm súng như mình đã đề cập ở trên (thay vì bóp cò thì bạn bấm nút chụp, về nguyên tắc thì vẫn tương tự), hãy đứng chân trước chân sau và trọng lượng dồn đều ở hai chân. Với mình thì mình thường nín thở khi bấm nút chụp khi chụp ở tốc độ chụp chậm, cách này giúp ích cho mình khá nhiều, giúp cho những bức ảnh mình có được những bức ảnh sắc nét hơn.

Bạn hãy thử cách của mình xem, có tác dụng đấy! Điều khác biệt khác giúp cho việc chụp ảnh dễ hơn việc cầm súng đó là máy ảnh thì bạn có thể giảm tốc độ chụp để giảm rung lắc còn súng thì không thể nào giảm rung lắc được ngoài kỹ thuật cầm của bạn.

Lời kết

Đến đây mình xin tạm dừng phần đầu tiên lại hãy xem lại các kiến thức đã học và thực hành lại để nắm vững hết các kỹ thuật rồi hãy tiếp tục bức vào phần 2 của bài viết này. Đừng quên xem lại các kiến thức liên quan ở các bài viết trước của mình nếu không nhớ.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy để lại ý kiến của mình dưới phần bình luận nhé !

Phạm Khang
Phạm Khang

Chào mọi người, mình là Khang, là dân IT, sở thích của mình là Street Workout, Du lịch, và Nhiếp ảnh. Phương châm viết bài của mình là cung cấp thông tin đến với tất cả mọi người một cách dễ hiểu nhất. Hy vọng những bài viết của mình có thể giúp ích được cho mọi người !

Theo dõi
Thông báo
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Thủ thuật máy tính - Tin học dành cho bạn
Logo