Cách viết Đơn Xin Việc Viết Tay gây ấn tượng đến nhà tuyển dụng
Tới 90% nhà tuyển dụng chuyên nghiệp thường chọn ứng viên phù hợp với công việc hơn là những ứng viên xuất sắc nhất. Các tiêu chí như khả năng, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của công việc, thái độ và kỹ năng mềm rất quan trọng đối với một ứng viên phù hợp.
Bạn có thể khéo léo thể hiện kĩ năng mềm và sự nghiêm túc, tôn trọng công ty cũng như nhà tuyển dụng thông qua một đơn xin việc viết tay do mình tự sáng tạo. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng tìm hiểu những tiêu chí quan trọng giúp bạn tạo ấn tượng với mẫu đơn xin việc viết tay.
Điểm cộng của đơn xin việc viết tay
Trong thời đại số, chúng ta quen thuộc với các phương thức trao đổi dữ liệu thông qua những con số cứng nhắc, vậy thì những nét chữ viết tay mềm mại có lẽ sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt đẹp với các nhà tuyển dụng. Thông qua các mẫu đơn xin việc viết tay, bạn có thể thể hiện được sự tỉ mỉ, công sức đầu tư cho vị trí/công việc này, chứng tỏ được sự tôn trọng đến công ty và nhà tuyển dụng.
Giữa vô số những CV ứng tuyển sử dụng công nghệ Photoshop và kiểu chữ in cứng nhắc thì nét chữ viết tay mềm mại sẽ giúp bạn tạo nên sự khác biệt so với vô số các ứng viên khác.
Đơn xin việc viết tay sẽ phát huy thế mạnh của mình khi bạn ứng tuyển vào nhiều vị trí, công ty, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến thiết kế, sáng tạo. Hãy thể hiện những ưu điểm, phẩm chất nổi trội của bạn trong công việc như sự tỉ mỉ, sáng tạo, khả năng trang trí,… trong đơn xin việc viết tay.
Các phần nên có của đơn xin việc viết tay
Giới thiệu bản thân: Hãy điểm qua những thông tin cá nhân cơ bản của bạn (tên, địa chỉ, số điện thoại, email liên hệ,…). Bất kì nhà tuyển dụng nào cũng sẽ mong muốn biết tên tuổi, địa chỉ (bao gồm địa chỉ nhà, địa chỉ mạng xã hội, hộp thư,…) để có thể liên hệ với bạn dễ dàng. Thông tin cá nhân đầy đủ, rõ ràng cũng góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của bạn trong công việc.
Trình độ học vấn: Trình độ học vấn thường bao gồm Trường đại học (ngành học, GPA), Cao học (nếu có).
Kinh nghiệm: Những kinh nghiệm và hoạt động trước đó mà bạn cho rằng có thể áp dụng vào công việc ứng tuyển. Một số người có thể sẽ không có kinh nghiệm làm việc, vậy thì bạn có thể ghi lại một số hoạt động ngoại khóa, hoặc trải nghiệm thực tế của mình trong một sự kiện nào đó, nhằm chứng tỏ kĩ năng trong cuộc sống và góc nhìn của bạn.
Các chứng chỉ, kĩ năng: Các chứng chỉ, kĩ năng là minh chứng cụ thể cho một số kĩ năng như ngoại ngữ, tin học, thiết kế,… Một số khóa học có uy tín nhằm trau dồi kĩ năng trong công việc chắc chắn sẽ được đánh giá cao. Chẳng hạn, nếu bạn muốn ứng tuyển vị trí nhân viên Marketing Online và chưa hề có bất kì kinh nghiệm nào cho vị trí này, thì một khóa học về Marketing cơ bản, cùng với chứng chỉ thiết kế, chứng chỉ ngoại ngữ cũng sẽ là điểm cộng để cân nhắc tuyển dụng bạn.
Tham chiếu: Một giáo viên giỏi, một cấp trên có uy tín sẽ là tham chiếu để chứng minh những thông tin bạn đưa ra là chính xác. Đồng thời, người tham chiếu có thể sẽ được liên hệ và yêu cầu cung cấp một số thông tin về thái độ, kĩ năng của bạn, để nhà tuyển dụng có thể cân nhắc về sự phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển. Vậy nên, đừng nên quên phần này trong đơn xin việc viết tay của bạn, và cũng đừng quên “chuẩn bị” cho mình một người tham chiếu thật “xịn” để CV của bạn có độ tin cậy hơn.
Một số lưu ý khi sáng tạo đơn xin việc viết tay
Thể hiện sự chuyên nghiệp: Đừng tạo ấn tượng về sự sơ sài, vụng về trong lá đơn xin việc viết tay của bạn. Nếu đã không sử dụng các công cụ Word, Photoshop, bạn cần phải thể hiện được ưu điểm nổi trội hơn về khả năng thiết kế, kết hợp màu sắc, khả năng sáng tạo, sự trang trí tỉ mỉ,… Tuyệt đối đừng chỉ mang đến cho nhà tuyển dụng một tờ giấy trắng và các dòng chữ viết tay đơn điệu, bởi chúng thậm chí còn tệ hơn so với việc đánh máy văn bản!
Đừng để đơn xin việc viết tay trở nên lạc quẻ, sến sẩm: Mặc dù lá đơn xin việc viết tay nhằm thể hiện khả năng, kĩ năng và thái độ của bạn đối với công việc ứng tuyển, thế nhưng đừng thể hiện những câu từ cảm thán mang tính sến sẩm trong CV của mình. Sử dụng màu sắc, trang trí bằng tay để đi xin việc cũng khác với việc trang trí thủ công bạn học trên ghế nhà trường, vậy nên hãy thể hiện sự chuyên nghiệp thay vì những hình vẽ, họa tiết ngẫu hứng có phần vụng về.
Không tham lam khi thể hiện thông tin: Dù là đơn xin việc viết tay hay viết bằng công cụ máy tính, bạn cũng không nên thể hiện thông tin một cách dài dòng, lan man. Sự ngắn gọn, súc tích bao giờ cũng gần hơn với tính chuyên nghiệp.
Ngôn ngữ thể hiện trong đơn xin việc có thể là tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ khác sao cho phù hợp với yêu cầu của công việc, miễn bạn đảm bảo rằng mình sẽ không mắc các lỗi thể hiện như sai chính tả, hoặc sử dụng câu từ tối nghĩa, dễ gây nhầm lẫn.
Lời kết
Viết đơn xin việc rất quan trọng, vậy nên bạn cần đầu tư thời gian, công sức của mình để có được CV ấn tượng và đạt hiệu quả nhất. Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm viết CV của bạn ngay dưới bài viết này nhé!