Làm sao để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đang làm? Đây là câu hỏi của rất nhiều người. Hôm nay mình sẽ chỉ cho bạn những nguyên tắc giúp bạn nhanh chóng trở thành một người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình
Cải thiện kỹ năng yếu nhất
Bạn có biết, cái bạn yếu nhất, lại là cái kìm hãm bạn tiến về phía trước nhất. Trong thần thoại Hi lạp, Achilles là một chiến binh vĩ đại nhất trong thành Troia. Khi Achilles ra đời, mẹ của chàng vì muốn chàng bất tử. Vì thế bà đã nhúng thân thể Achilles vào dòng sông Styx – một con sông đại diện cho sự sống bất tử. Nhưng do sơ ý, chỉ có gót chân là chưa được nhúng vào dòng sông.
Chính vì thế mà nó trở thành điểm yếu của chàng. Trong trận triến thành Troia, vô tình chàng bị một mũi tên bắn trúng vào “gót chân” và khiến chàng tử trận. Tưởng rằng Achilles sẽ trở nên bất tử, nhưng do điểm yếu là “gót chân” lại là thứ trở thành “điểm tử”.
Câu chuyện cho thấy con người ta bị gục ngã, không phải vì những gì người ta giỏi nhất, mà những gì người ta “yếu nhất”. Một nhà kinh doanh, đầu tư mặc dù có kiến thức sâu rộng, nhưng nếu thiếu một trong các kĩ năng cần thiết, sẽ khó mà thành công.
Giống như trong câu chuyện của Peter – nhà quản lý học người mỹ đã chia sẻ:
Một thùng gỗ được cấu tạo bởi các thanh gỗ ngắn dài. Nếu muốn chứa nhiều nước. Nó phải phụ thuộc vào một thanh gỗ “ngắn” nhất. Không phải là thanh gỗ dài nhất, mà là thanh gỗ ngắn nhất, điều này rất đúng hoàn toàn trong thực tế.
Bạn khởi nghiệp lâu năm mà vẫn chưa thành công, đó là do bạn bị kìm hãm bởi một thanh gỗ ngắn nhất của mình. Có thể là kỹ năng giao tiếp, marketing, bán hàng, mối quan hệ,…
Hãy tự hỏi mình: “Tôi đang có thanh gỗ nào ngắn nhất cần cải tiến”? Cải thiện được nó, cuộc đời bạn sẽ tăng tốc một cách thần kì.
Làm việc đủ 10000 giờ
Bạn có biết rằng, muốn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, thật ra rất đơn giản.
Đó là làm việc đủ 10000 giờ trong lĩnh vực. Đây là kết quả nghiên cứu của Malcolm Gladwell – tác giả của quyển sách bán chạn nhất – “Outliers” (Tạm Dịch – Người xuất chúng).
Đừng hiểu nhầm nghiên cứu này. Không phải bạn chỉ làm việc cho đủ 10000 giờ trong lĩnh vực đó. Mà là làm việc chăm chỉ, siêng năng và công hiến hết sức mình.
Công thức này cho thấy một điều: “Siêng năng sẽ bù đắp sự thông minh”. Chỉ cần bạn cố gắng mỗi ngày. Mỗi ngày trôi qua, bạn cháy hết mình với công việc của mình. Thời gian sẽ xóa dần khoảng cách nơi bạn muốn đến.
Bạn có biết : “Tiềm thức” là một vũ khí rất lợi hại? Tiềm thức sẽ chi phối những hành động. Nếu bạn thường xuyên lặp đi lặp lại một việc gì đó, dù nó đúng hay là sai. Theo thơi gian, nó giống như một điều luật. Và khó để thay đổi.
Nhưng đừng hiểu lầm.
Bạn sẽ không thể trở thành một nhà triệu phú nếu như chỉ lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi sẽ trở thành triệu phú, tôi sẽ trở thành triệu phú”.
Nhưng nếu bạn thường xuyên xây dựng trong tâm trí mình ý niệm về sự giàu có, sung túc và không ngừng nuôi dưỡng chúng trong suốt cuộc đời mình, bạn chắc chắn sẽ giàu có.
Nếu bạn muốn biết “tiềm thức” có sức mạnh như thế nào, hãy đọc quyển sách “Sức mạnh của tiềm thức” của Joseph Murphy nhé!
Chỉ làm 70% công việc
Thực ra, để có thể trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, bạn cần phải có tư duy dài hạn. Bên cạnh đó là sự kết hợp hài hòa giữa công việc và cuộc sống.
Chiến lược làm 70% công việc có nghĩa: Bạn chỉ làm 70% công việc. Không cố làm hết sức mà để phần đó cho hôm sau. Tại sao lại chỉ làm 70% công việc? Giả sử bạn là một nhân viên.
Hãy thử hình dung hai trường hợp như sau:
Tèo và Tý là hai người làm cùng một công ty. Nhưng Tèo lúc nào cũng là người về trễ, về nhà còn ôm đồm công việc đem về nhà làm.
Tý thì khác, anh không đem công việc về nhà. Thời gian buổi tối anh thường dành nhiều thời gian cho những hoạt động khác như đọc sách, thư giãn, nói chuyện với con.
Hãy thử nghĩ xem, ai sẽ người làm việc có năng suất hơn? Nếu trong ngắn hạn, Tèo trong có vẻ làm việc vượt trội hơn. Nhưng về lâu dài, Tý lại là người nhỉnh hơn.
Nếu bạn là Tèo, bạn hẳn sẽ khó hạnh phúc. Nếu không biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn sẽ sớm dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Stress là điều khó tránh khỏi. Tý làm chỉ 70% công việc. Thời gian còn lại, anh để cơ thể nghỉ ngơi. Điều này đã giúp anh có được 3 lợi ích:
Có thời gian làm việc khác
Công việc không phải là đích đến của bạn. Bạn còn nhiều thứ khác quan trọng hơn rất nhiều. Bạn còn có gia đình, có bạn bè. Bạn còn những niềm vui khác, những mong ước khác chưa thực hiện.
Đừng để công việc biến bạn thành một cỗ máy không “cảm xúc”. Hãy làm ít, nhưng hiệu quả. Nếu bạn muốn có nhiều thời gian nhất, thì chỉ có cách là làm ít lại thôi, nhưng chất lượng công việc vẫn vượt trội.
Luôn tràn đầy năng lượng mỗi ngày
Một người làm việc khoa học sẽ không ôm đồm công việc. Chính sự làm việc khoa học đó đã giúp họ luôn tràn đầy năng lượng sống mỗi ngày. Không thức khuya, không làm việc quá sức. Bạn còn một hành trình dài phía trước. Phải biết liệu sức mà đi.
Khi bạn gúc ngã, mọi thứ sẽ còn tệ hại hơn rất nhiều. Đừng là người ham việc. Hãy chăm sóc bản thân mình thật tốt. Hãy dùng khoảng thời gian còn lại trong ngày để làm nhiều việc khác có ý nghĩa hơn.
Giữ lửa trong công việc
Bạn có biết là, một công việc dù bạn có yêu thích đến đâu. Rồi cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy chán nản. Con người là động vật có cảm xúc. Mà “cảm xúc” là thứ khó lâu bền.
Tình yêu đôi khi chỉ mãnh liệt lúc ban đầu, sau này, chúng có thể nguội dần. Không ai có thể đảm bảo yêu thích một người cả một đời.
Đối với công việc cũng vậy. Sẽ có một ngày, bạn không còn hứng thú trong công việc nữa. Thế nên, để giữ lửa, bạn cần làm ít thôi. Hãy làm việc để ngày mai khi bắt đầu, bạn cảm luôn cảm thấy thích thú.
Giống như trong tình yêu, hãy cho nhau một khoảng lặng, để hai bên còn giữ những điều khác biệt về nhau. Chính sự khác biệt mới là thứ hấp dẫn con người!
Cải tiến mỗi ngày
Có một phương pháp “cải tiến” của người Nhật. Đó là phương pháp Kaizen. “Kaizen” có nghĩa là “cải tiến”.
Phương pháp này dựa trên quan niệm rằng: “Sự cải tiến liên tục sẽ tăng dần hiệu suất theo thời gian”. Cụ thể hơn, đó là:
One percent better everyday! Tức là tốt hơn 1% mỗi ngày.
Tại sao chỉ là 1%?
1% mỗi ngày là đều không quá sức đối với bạn. 1% mỗi ngày là một con số cưc kỳ nhỏ và bạn có thể dành ra chút ít thời gian mỗi ngày để làm việc này.
Thay vì dành cả tiếng đồng hồ lướt facebook, chỉ cần bạn dành 10 – 15 phút mỗi ngày và cải tiến công việc mà mình đang làm. Bất kể việc gì, nếu bạn muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó, hãy áp dụng công thức này.
Đó là công thức Kaizen: Tốt hơn 1% mỗi ngày – better one percent everyday! Bạn có biết: “Lãi kép chính là ký quan thứ 8 của vũ trụ”? Tại sao lại là lãi kép?
Cải tiến thì liên quan gì đến lãi kép?
Thật ra công thức lãi kép: Tức là lãi cha sinh lãi con, theo thời gian nó có thể phát triển theo cấp số nhân.
Hẳn bạn đã từng nghe chuyện “bàn cờ”. Chỉ một cái bàn cờ gồm 64 ô vuông nhưng nếu ô đầu tiên là 1 hạt thóc. Ô kế tiếp gấp đôi ô trước nó. Một con số cực kì khổng lồ nếu nó nhân đôi hết cả các ô trong bàn cờ.
(Tóm tắt cho dễ hình dung là theo tính toán, số hạt thóc là gần 18,5 tỷ tỷ hạt, nặng khoảng 641 tỷ tấn, trong khi ngày nay, toàn thế giới mới chỉ sản xuất được khoảng 2 tỷ tấn lương thực mỗi năm)
Lãi kép không chỉ áp dụng cho tiền bạc, nó có thể áp dụng ở bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống. Điều này có thể cụ thể ở quy tắc Kaizen: Tốt hơn 1 % mỗi ngày.
Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua 1%. Ngày mai lại tốt hơn ngày hôm này 1%. Cứ như thế đều đặn mỗi ngày. Sự tiến bộ của bạn không phải theo cấp số cộng, Nó phát triển theo cấp số nhân của công thức lãi kép.
1% ngày hôm nay bạn thay đổi được. Nó sẽ cực kỳ là nhỏ bé so với 1% của 1 năm sau. Và cực kỳ cực kỳ nhỏ bé so với 1% của 10 năm sau. Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bạn tăng theo hàm mũ không phải hàm cộng.
Thế mới có câu: “Rừng càng già càng cay”. Bạn càng là người từng trải, bạn càng tạo ra thay đổi lớn hơn rất nhiều. Thu nhập của tuổi 20 sẽ rất khác so với thu nhập của tuổi 30, 40.
Tuy vậy, đó là bạn tiến về phía trước. Giả sử trường hợp bạn bị tụt lùi lại phía sau thì sao? Thì cũng giống như lãi kép. Càng lười biếng, càng không chịu thay đổi, thì cuộc đời của bạn chỉ mãi mãi thụt lùi về phía sau.
Làm công việc mình yêu thích
Nếu bạn muốn trở thành người giỏi nhất, bạn phải cống hiến đủ 10000 giờ cho công việc của mình. 10000 giờ không phải con số nhỏ, nó tương đương với khoảng thời gian gần 7- 8 năm. Để có thể luôn duy trì sự nhiệt huyết trong công việc. Thì chỉ có 1 cách đó là biến đam mê thành công việc.
Nếu bạn không chút hứng thú với công việc bạn đang làm. Bạn sẽ khó mà trở thành chuyên gia.
Hãy thử nghỉ xem.
Làm việc bạn không yêu thích, nếu là vì tiền, liệu bạn có cháy hết mình với nó được không? Bạn có chịu hy sinh thời gian rãnh của mình để tận tụy với một công việc mà mình không hề thích thú?
Con người là nô lệ của cảm xúc. Mà cảm xúc cực kỳ thay đổi rất nhanh. Nếu bạn không yêu thích công việc hiện tại. Nó sẽ biểu lộ qua công việc mà bạn đang làm. Từ môi trường xung quanh bạn.
Cách bạn làm việc. Cách bạn kiếm tiền từ nó. Tât tần tật đều bộc lộ ra bên ngoài. Người khác có thể đánh giá rằng bạn có yêu thích nó hay không, cực kỳ dễ dàng. Chỉ cần nhìn qua thái độ của bạn đối với công việc bạn đang làm. Nhưng mà điều đó cũng không quan trọng bằng chính tình cảm mà bạn dành cho công việc của mình.
Có thể ngay lúc này, bạn chưa tìm được công việc bạn yêu thích. Nhưng không sao cả, bạn có thể bắt đầu lại. Hành trình đi tìm đam mê quả thật là một phần thưởng xứng đáng cho những ai theo đuổi nó. Nó sẽ xuất hiện trong từng khoảnh khắc mà bạn đi qua.
Lời kết
Nếu bạn muốn trở thành người giỏi nhất trong bất kì lĩnh vực nào, bạn không thể bỏ qua 5 bước này.
1. Cải thiện kỹ năng yếu nhất
2. Làm việc đủ 10000h
3. Chỉ làm 70% công việc.
4. Tốt hơn 1% mỗi ngày
5. Yêu công việc bạn đang làm
Suy cho cùng, trở thành một người giỏi nhất là một quá trình. Không thể “bùm” cái bạn giỏi “ngay tức khắc”. Hãy nhớ là “Không có con đường tắt cho những kẻ lười”.
Chúc bạn may mắn và thành công!