Đường lưỡi bò là gì? Âm mưu “thôn tính” biển Đông của Trung Quốc
Tưởng chừng như Trung Quốc đã bỏ qua dã tâm thôn tính biển Đông thì với 4 GIÂY xuất hiện “Đường lưỡi bò” trong bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em Abominable hay Everest: Người tuyết bé nhỏ lại thổi bùng vấn đề này một lần nữa. Bài viết hôm nay, mình sẽ tổng hợp lại những thông tin cơ bản về Đường Lưỡi Bò là gì và những điều có thể bạn chưa biết về nó.
Đường lưỡi bò là gì?
Đường lưỡi bò hay còn được gọi với nhiều cái tên khác như đường 9 đoạn, đường chữ U là đường vẽ ranh giới biển quốc tế ở khu vực biển Đông do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền thông qua một bản đồ mới do Trung Quốc ban hành năm 2009.
Sơ đồ vùng lưỡi bò trên biển Đông
Theo đó, đường này bắt đầu từ Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam kéo dài xuống phía Nam, đi qua vùng biển của Malaysia và Philipin, cuối cùng kết thúc ở phía Đông Nam Đài Loan. Như vậy, nó nuốt trọn phần lớn biển Đông bao gồm hai quần đảo lớn của nước ta Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng theo bản đồ đường lưỡi bò, 75% diện tích khu vực biển Đông thuộc Trung Quốc, còn lại 25% chia đều cho Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Indonesia, như vậy mỗi nước chỉ có 5%. Ngay sau khi được công bố, đường lưỡi bò đã nhận được sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Đường lưỡi bò có từ khi nào?
Năm 2009, vấn đề tranh chấp liên quan đến đường lưỡi bò nổ ra và trở thành đề tài tranh luận của thế giới. Tuy nhiên, đường lưỡi bò đã xuất hiện từ lâu, không phải năm 2009 Trung Quốc mới vẽ bản đồ và công bố nó.
Thực tế, đường lưỡi bò lần đầu tiên được công khai vào tháng 2/1948 trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” của “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc”, khi đó đường này gồm 11 đoạn. Nó chỉ là những nét vẽ không có cơ sở, không có đơn vị đo lường, không có tọa độ địa lý chính xác dùng để nối các đảo với nhau để quy định ranh giới trên biển do Trung Quốc tự vẽ ra. Do đó, qua các thời kỳ hình dáng đường này thay đổi khác nhau, lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, khi thì 10 đoạn.
Tranh chấp “đường lưỡi bò”
Trung Quốc đã âm thầm coi đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của họ mãi từ năm 1948 nhưng không có động thái công khai nào. Cho đến tháng 5 năm 2009 mới gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố quyền tối cao đối với “các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận” kèm theo bản đồ đường 9 đoạn. Tuy nhiên, bản đồ này sai về đơn vị đo lường, tọa độ địa lý và Trung Quốc không có chứng cứ chứng minh về chủ quyền của nước này đối với khu vực đó.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên lãnh thổ biển Việt Nam
Sự việc khiến tranh chấp trở nên nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc đã ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và khai thác trái phép vào ngày 25/6/2014.
Sự việc chỉ kết thúc vào ngày 12/7/2016 khi Philippines đã thắng trong vụ kiện chủ quyền với Trung Quốc tại The Hague, Hà Lan. Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc vì không có cơ sở pháp lý nào chứng minh được quyền của Trung Quốc về địa lý cũng như tài nguyên của vùng này, Trung Quốc cũng không có “quyền lịch sử” đối với khu vực này.
Đường lưỡi bò và dã tâm của Trung Quốc
Thua kiện năm 2016 không làm lung lay dã tâm muốn chiếm giữ biển Đông cho riêng mình của Trung Quốc. Chúng thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền để đường lưỡi bò ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người.
Đầu tiên là với người dân Trung Quốc. Trong sách giáo khoa Địa lý của học sinh Trung Quốc từ những năm 1940 đã tuyên truyền “cực nam đất nước là Zengmu Ansha – bãi ngầm James (James Shoal) phía nam Biển Đông gần bờ biển Malaysia chứ không phải là Đảo Hải Nam như mọi người vẫn biết.
Tiếp theo là thủ đoạn tuyên truyền ở Việt Nam và quốc tế. Một đoàn du khách Trung Quốc mặc áo thun in đường lưỡi bò tại Sân bay Cam Ranh đã bị chính quyền địa phương yêu cầu cởi bỏ và tịch thu tang vật vào tháng 5/2018.
Đoàn du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh
Tháng 9/2018, bộ sách Wow! – Những bí mật kỳ diệu dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi của tác giả Tôn Nguyên Vĩ người Trung Quốc đã bị tịch thu do in bản đồ có hình đường lưỡi bò. Quá đáng hơn, mẫu hộ chiếu mới có gắn chíp điện tử do Trung Quốc phát hành năm 2012 với các trang in chìm bên trong chứa hình ảnh đường lưỡi bò.
Sách dành cho thiếu nhi in hình đường lưỡi bò của tác giả người Trung Quốc
Và gần đây nhất, đường lưỡi bò xuất hiện trong phim hoạt hình dành cho thiếu nhi và trong giáo trình đại học. Cụ thể, bộ phim Abominable hay Everest: Người tuyết bé nhỏ đã bị ngừng chiếu do vài giây xuất hiện bản đồ có in hình đường lưỡi bò và giáo trình tiếng Trung của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ có in bản đồ đường lưỡi bò đã được thu hồi toàn bộ. Được biết, bộ phim có sự tham gia sản xuất của ekip Trung Quốc và bộ giáo trình do đối tác Trung Quốc tặng.
Giáo trình tiếng Trung do đối tác Trung Quốc tặng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ in đường lưỡi bò
Kết luận
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ còn sử dụng những thủ đoạn tinh vi hơn nhằm tuyên truyền về chủ quyền đường lưỡi bò với thế giới. Nếu bạn phát hiện dấu hiệu nào liên quan đến đường lưỡi bò trên lãnh thổ Việt Nam hãy thông báo với chính quyền để được xử lý kịp thời.
Tags: đường lưỡi bòlà gì