Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về tiêu cự, các loại ống kính cố định và ống kính zoom cũng như cách chụp ảnh căn bản, đúng không? Giờ đây, bạn có thể tự tin lựa chọn ống kính phù hợp với nhu cầu của mình rồi.
Để mua một bộ máy ảnh và lens phù hợp là một việc không hề đơn giản, không phải cứ mua vài ba ống kính mình thích về là thành một bộ được. Ở vài viết này mình xin chia sẻ đến với các bạn cách xây dựng một bộ lens phù hợp với nhu cầu của mình.
Chia sẻ về góc nhìn của mình
Trong nhiếp ảnh thì chỉ có vài quyết định là mang tính cá nhân như là việc chọn lens để sử dụng. Với một con số không thể đo đếm được về các sự lựa chọn có trên thị trường – bất kể là bạn đang sử dụng loại máy ảnh nào – dường như bạn rất khó khăn để tìm kiếm được những chiếc ống kính thích hợp với nhu cầu sử dụng mà bạn đang cần.
Cá nhân mình, gần như đã thay thế hoàn toàn bộ các lens ban đầu mình mua kèm theo máy ảnh trong suốt thời gian từ lúc mình mua máy ảnh đến thời điểm hiện tại, không chỉ riêng mình mà nhiều người khác có đam mê nhiếp ảnh lâu năm như mình thậm chí còn có người “thay máu” còn nhiều còn hơn cả mình.
Không có câu trả lời hoàn hảo nào cho câu hỏi nên chọn bộ lens nào cho nhu cầu chụp của ai đó, mình hy vọng những điều mình cung cấp trong bài viết này có thể là một gợi ý có giá trị để trả lời câu hỏi trên về việc chọn mua một bộ lens phù hợp với nhu cầu của từng người, dù bạn có sử dụng máy ảnh của hãng sản xuất nào từ Nikon, Canon, Sony hay bất cứ hãng sản xuất nào khác.
Tại sao bài viết này mình lại đưa ra lời khuyên cho bạn chọn cả bộ lens? Thậm có là bạn đang hài lòng với bộ lens hiện tại của mình, thì nhỡ đâu một chiếc trong đó có vấn đề gì phải thay thế thì sao? Bạn quyết định chọn lại một chiếc ống kinh như cũ chăng.
Mỗi năm trên thị trường lại xuất hiện thêm nhiều loại ống kính mới, những thiết bị ra đời trước đó luôn bị đặt trong tình trạng sẽ bị lỗi thời và bị thay thế bởi một sản phẩm khác tốt hơn – trừ một số loại giữ được vị thế của mình trong một thời gian dài, nhưng số này không nhiều.
Thêm vào đó, sở thích của mỗi người có thể thay đổi lúc đó bạn sẽ cần những trang bị mới. Ví dụ mình thường chụp chân dung với phong cảnh là chủ yếu, ít khi chụp động vật hoang dã, nhưng tự nhiên một ngày nào đó do công việc hoặc mình lại hứng thú với chụp ảnh động vật hoang dã thì sao?
Rõ ràng với phong cách chụp ảnh trước đó của mình, những trang bị dành cho mục đích của mình là không đáp ứng được nhu cầu mới này lúc đó mình phải xem xét lại việc trang bị thêm những thiết bị ống kính mới để thỏa mãn nhu cầu đặt ra.
Dĩ nhiên, vẫn có một số nhiếp ảnh gia chỉ sử dụng một bộ thiết bị trong suốt một quãng thời gian dài. Mình biết một nhiếp ảnh gia rất nổi tiếng từng đoạt rất nhiểu giải thưởng quốc tế, ông ấy là nhiếp ảnh gia người Pháp Henry Catier – Bresson, ông này có lẽ một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng hầu như chỉ sử dụng chiếc lens 50mm trong suốt sự nghiệp của bản thân (rất hiếm khi ông sử dụng những chiếc lens khác là 35mm hoặc 90mm).
Và mình nghĩ rằng ai cũng nên như vậy (không có nghĩa là bắt bạn chỉ sử dụng một ống kính ý mình ở đây là một bộ thiết bị cố định) một mặt nó sẽ giúp bạn tối ưu được chi phí, để thỏa mãn với bộ công cụ hiện có và không cần phải tính đến việc mua mới, giả sử những thiết bị bạn sở hữu nó không quá lỗi thời, nếu nó lỗi thời quá hoặc hư hỏng thì buộc bạn phải nâng cấp thôi.
Cho nên mình hy vọng những chia sẻ những thứ liên quan đến ống kinh dưới đây sẽ giúp được các bạn chọn cho mình một bộ lens ưng ý như thế, hãy dành chút thời gian và pha một tách cà phê để nghiền ngẫm hết bài viết này vì đây là một bài viết khá dài sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích.
Xác định nhu cầu của bản thân
Mỗi người có một sở thích chụp ảnh khác nhau, cho nên việc có rất rất nhiều loại lens trên thị trường cũng là điều dễ hiểu. Một điều đương nhiên là hiếm khi nào một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh động vật hoang dã là đi tìm mua một chiếc lens chuyên chụp kiến trúc để phục vụ nhu cầu của mình cả, và ngược lại.
Trường phải nhiếp ảnh của bạn sẽ quyết định những thiết bị đi theo điển hình nhất đó là ống kính, chẳng hạn:
Một nhiếp ảnh gia chuyên chụp macro (một trường phái chuyên chụp các vật thể ở mức vi mô như ruồi, kiến chẳng hạn), họ sẽ sử dụng những chiếc ống kính chuyên dùng mà ít khi bạn thấy những nhiếp ảnh gia với trường phái khác sử dụng.
Dưới đây là 10 yếu tố quan trọng khác nhau được tính đến khi quyết định lựa chọn một bộ lens:
Trọng lượng: Một bộ lens càng nhẹ thì càng dễ mang đi, gần như đây là mong muốn của hầu hết các nhiếp ảnh gia.
Độ dài tiêu cự: Lý tưởng nhất là bộ kit của bạn có thể bao phủ được hết dãy tiêu cự theo mục đích chụp của bạn (nếu bạn chưa rõ hãy xem lại bài viết về độ dài tiêu cự của mình). Để tối ưu về trọng lượng và quan trọng là tránh việc lặp lại dãy tiêu cự trong cùng một mục đích. (Ví dụ nhiều người sở hữu cả 2 chiếc lens 24mm và 28mm f/1.8, như thế này thì tốt nhất hãy chịu khó zoom chân một tí).
Chất lượng hình ảnh: Dĩ nhiên nhiếp ảnh gia nào cũng muốn có được chất lượng hình ảnh tốt nhất trong hầu hết các trường hợp.
Khẩu độ mở tối đa: Một khẩu độ mở tối đa sẽ lý tưởng cho việc chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu và nếu bạn muốn chụp những bức ảnh xóa phông.
Filters –kính lọc (có thể có hoặc không): Nếu bạn định sử dụng filter thì tốt nhất là bạn nên mua những chiếc lens có tích hợp sẵn, hoặc bạn mua những chiếc lens có thể gắn filter thì hãy chọn những chiếc lens có cùng kích thước filter với những chiếc lens đã có.
Khả năng tự động lấy nét: Đối với những người hay chụp hành động, thể thao hay chụp chim cò thì việc lấy nét chính xác và nhanh là 2 yếu tốt được đặt lên hàng đầu khi chọn mua lens. Nhưng đối với một số nhiếp ảnh gia khác thì việc này không quan trọng lắm ví dụ chụp ảnh sản phẩm chẳng hạn.
Những đặc tính đặc biệt: Nếu bạn cần một chiếc lens macro, một chiếc lens tilt-shift, hay cần một chiếc lens có khả năng chống rung tốt thì bạn phải đặt biệt chú ý vì đây là những chiếc lens đặt biệt tránh việc mua nhầm.
Độ hoàn thiện sản phẩm: Được thiết kế để có khả năng chịu đựng được thời tiết, va đập; được làm bằng chất liệu kim loại hay vòng xoay nét được làm bằng cao su – thậm chí là thương hiệu của sản phẩm cũng có thể ảnh hưởng tới độ hoàn thiện cũng như độ bền của chiếc lens, ngoài ra hoàn thiện sản phẩm sự tối ưu hóa của sản phẩm nửa về giá cũng như về sự tối ưu hóa, dễ sử dụng cho người dùng.
Khả năng tương thích: Nếu chiếc ống kính không hợp với chiếc máy ảnh bạn đang sử dụng hoặc định mua thì đó là cả một vấn đề.
Giá: Có lẽ đây là yếu tố quan trọng nhất được xem xét đầu tiên khi quyết định tìm mua, và thông số này là khác nhau đối với những người khác nhau tùy vào điều kiện tài chính của mỗi người.
Để đưa bạn cho một ví dụ thực tế mình sẽ biên dịch một bài chia sẻ của tác giả Spencer Cox được đăng trên tạp chí Photography life, xem những chia sẻ của anh về bộ lens của mình.
Spencer là một nhiếp ảnh gia phong cảnh và tự nhiên rất nổi tiếng từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế và có nhiều ảnh trong các bảo tàng ở Luân Đôn, Thượng Hải….
“Tôi không ảo tưởng là bộ ống kính của mình là bộ tốt nhất, thậm chí là đối với nhu cầu của tôi, nhưng tôi hài lòng với những gì mà tôi có. Đây là bộ ống kính của tôi: Nikon 20mm f/1.8, Nikon 35mm f/1.8 FX, Nikon 70-200mm f/4, Nikon 105mm f/2.8 VR Macro”.
Tất cả những ống kính này đều sử dụng trên chiếc máy ảnh full-frame của tôi, tôi không dùng lens fix 50mm như bao người khác cho nên có thể lấy chiếc lens 35mm làm tiêu cự tiêu chuẩn trong bộ đồ nghề của tôi. Tôi sẽ phân tích cho các bạn thấy tại sao bộ lens này làm hài lòng tôi:
Trọng lượng: Bởi vì tôi rất thường xuyên thực hiện việc leo trèo, chinh phục các đỉnh núi để thõa mãn sở thích chụp ảnh phong cảnh của mình nên tôi cần một bộ ống kính có trọng lượng nhẹ. Cùng lúc đó, tôi mang những chiếc ống kính này trong balo thay vì để trong túi đeo. Nói chung cả bộ tôi mang theo là chiếc 20mm, 35mm và chiếc 70 -200mm sẽ có trọng lượng khoảng 1.5 kg, với dãy tiêu cự mà nó bao phủ được thì cân nặng này là một con số hợp lý. Tôi để ống 105mm ở nhà khi đi chụp phong cảnh, bởi vì đơn giản là chiếc ống kính 70-200mm đã bao gồm tiêu cự 105mm rồi.
Độ dài tiêu cự: Với tôi dãy tiêu cự này nói chung đáp ứng rất tốt nhu cầu chụp ảnh phong cảnh của tôi. Ở khoảng cách xa, dãy tiêu cự 70-200mm có thể đóng khung được tất cả cảnh vật tôi cần, còn chiếc 24mm và 35mm để lấy toàn bộ cảnh vật. Khoảng tiêu cự trống giữa 35mm và 70mm không làm tôi quá bận tâm, bởi vì tôi ít khi đứng một chỗ để chụp mà thường di chuyển để chọn vị trí hơn (cho nên tôi không dùng lens 50mm). Có thể thấy là tôi đã bao phủ gần như dãy tiêu cự góc rộng, phục vụ được yêu cầu chụp ảnh phong cảnh của tôi cũng như yêu cầu về chất lượng hình ảnh.
Chất lượng hình ảnh: 3 ống kính một tiêu cự và một trong những ống zoom có chất lượng hình ảnh nét nhất của Nikon – chất lượng hình ảnh của chiếc lens zoom này đáp ứng rất tốt nhu cầu của tôi. Thêm vào đó, ống fix 20mm của tôi rất ít khi bị lóa (hiệu ứng flare) mà hầu hết các ống kinh góc rộng đều mắc phải.
Khẩu độ mở tối đa: Vì tôi thường chụp phong cảnh và macro nên tôi gần như luôn luôn để khẩu độ ờ mức f/8 hoặc nhỏ hơn. Tuy nhiên, khi chụp ban đêm, tôi sẽ dùng khẩu độ f/1.8 trên chiếc lens fix 20mm của mình.
Kính lọc: Đây là trang bị rất quan trọng đối với một nhiếp ảnh gia phong cảnh như tôi vì tôi có thể tận dụng được tối đa khả năng của chiếc kính lọc đặc biệt là khi trời quá sáng. Mặc dù tôi có thể chọn mua những ống kính có tích hợp sẵn kính lọc nhưng tôi vẫn chọn ống này vì filter của nó không quá đắt.
Tốc độ lấy nét tự động: Ngoại trừ chiếc lens 105mm macro của tôi, vì chụp macro nên tôi chỉ thường sử dụng lấy nét thủ công tôi không đề cập đến. Với những chiếc lens khác trong bộ kit của tôi thì tôi có phân vân giữa bộ kit Nikon này với một vài lựa chọn đến từ Zeissm nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn bộ kit của Nikon (ví dụ như chiếc 20mm) vì với phong cách chụp của tôi thì không cần phải lấy nét thật nhanh lắm và những chiếc lens này đáp ứng đủ yêu cầu của tôi, cũng như nó nhẹ hơn và rẻ hơn.
Tính năng đặc biệt: Là một nhiếp ảnh gia phong cảnh, tôi cần những chiếc lens có 2 tính năng đặc biệt: macro và khả năng chụp đêm Tôi không đặc biệt quan tâm đến khả năng chống rung hay bất kỳ đặc điểm nào khác, bởi vì tôi gần như luôn chụp với chân máy. Với tôi thì chiếc 20mm f/1.8 và 105mm f/1.8 macro đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu của bản thân.
Độ hoàn thiện: Chiếc ống kính 105mm của tôi được làm từ chất liệu kim loại, và những chiếc lens còn lại được làm từ nhựa cao cấp. Tôi không quá câu nệ chuyện chất lượng, tôi không yêu cầu chất lượng cao nhất, cho nên đó không phải là quan tâm chính của tôi khi quyết định mua một chiếc ống kính, dù vậy tôi rất hài lòng với bộ kit của mình vì khả năng chống chọi va đập và các điều kiện thời tiết. Điều duy nhất tôi muốn cải thiện là chiếc vòng lấy nét của chiếc lens 35mm f/1.8 êm hơn, nhưng không sao, đó không phải là vấn đề.
Khả năng tương thích: Tôi không phải lo lắng về vấn đề này vào lúc này, vì tôi đang dùng một chiếc máy ảnh full-frame và tất cả những ống kính của tôi đều tường thích, hơn nửa những ống kính đều cùng nhà sản xuất với máy nên không cần phải quá bận tâm về vấn đề này. Tuy nhân, bạn cần phải để ý khi chọn lens nếu đang định mua lens của các bên sản xuất thứ 3.
Giá: Những chiếc ống kính của tôi không hề rẻ, nhưng nó rẻ hơn hầu hết các ống zoom có tiêu cự f/2.8 và các lens fix có tiêu cự f/1.4. Nhiếp ảnh gia phong cảnh như tôi hiếm khi cần các yếu tố như khẩu độ mở lớn hay tốc độ lấy nét nên tôi chọn những chiếc ống kính trên để giảm thiểu chi phí.
Nếu nguồn kính phí của bạn hạn hẹp thì thập chí một chiếc lens kit (kể cả 18-55mm hay 55-200mm) cũng vẫn dùng chụp phong cảnh được. Những chiếc lens này cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu chụp của bạn và đặc biệt nó phù hợp với ngân sách, bạn cứ dùng nó cho đến khi nào tiết kiệm đủ tiền để mua một chiếc lens mới.
Đây có phải là bộ kit cuối cùng của tôi không? Đương nhiên là không. Chắc tôi sẽ bị shock nếu tôi vẫn dùng những chiếc lens này trong 10 năm nửa hoặc là dùng với cùng tiêu cự như bây giờ. Với tôi nhiếp ảnh là một sự trải nghiệm, và bộ kit này tôi đang trải nghiệm ở thời điểm hiện tại và nó phù hợp với mục đích của tôi.
Nếu bạn đang phân vân trong việc mua máy ảnh và bộ lens thì hãy tự đặt câu hỏi và trả lời 10 câu hỏi trên. Nếu trọng lượng là yếu tố quan trọng nhất, một chiếc máy với cảm biến crop hoặc là một chiếc máy ảnh microless là hợp lý từ đó bạn sẽ build một bộ lens theo máy.
Nếu bạn không quan tâm mấy đến trọng lượng mà cần một bộ kit chất lượng và lấy nét nhanh, thì đừng ngại chọn ngay một bộ DSLR full-frame. Nếu bạn đã có máy rồi thì bạn sẽ bị giới hạn lại sự lựa chọn, bạn phải lựa chọn dựa trên chiếc máy sẵn có của mình.
Khi chọn mua một bộ lens, mình ghi rõ sẽ chi bao nhiêu tiền, và dãy tiêu cự mình cần là bao nhiêu. Việc sử dụng các máy full-frame sẽ giúp bạn tận hưởng được chất lượng tốt nhất có thể tuy nhiên tất cả phụ kiện và ống kính đi kèm với nó sẽ đắt hơn, hãy suy xét kỹ từ khâu mua máy ảnh. Nếu bạn là sinh viên hay ngân sách có giới hạn hãy thì có thể tham khảo bài viết top 5 chiếc máy ảnh cho người mới của mình.
Khoảng thiếu trong dãy tiêu cự của riêng bạn
Như phần chia sẻ của nhiếp ảnh gia Spencer ở trên, có một khoảng trống khá lớn giữa chiếc ống kính 35mm và ống kính 70-200mm, nhưng không sao điều đó không thành vấn đề bạn không nhất thiết phải phủ kín dãy tiêu cự. Chắc chắn đôi lúc sẽ có những lúc bạn gặp khó khăn với điều này nhưng không sao đâu nó không phải là vấn đề quá lớn đối với bạn. Thậm chí nhiều nhiếp ảnh gia còn để khoảng trống này lớn hơn thế.
Nếu bạn cần mua một bộ đầy đủ các ống kính như sau: 14-24mm, 24-70mm, 70-200mm và 200-400mm, số tiền bạn bỏ ra không đáng là bao thì không sao cả bạn cứ mua; nếu tất cả các ống kính này bạn đều sử dụng thường xuyên thì không sao cả, đó không thành vấn đề. Nhưng tin mình đi trong một đống ống kính như vậy bạn chỉ thường sử dụng 2 hoặc là 3 ống kính thôi, những chiếc còn lại bạn sẽ mua về mà để trong tủ chống ẩm là chủ yếu.
Một số người khác thậm chí còn mua những ống kính trùng lặp về khoảng tiêu cự, ví dụ như 16-35mm với 24-120mm và 70-200mm. Những chiếc ống kính này đều rất tốt, dùng ống nào cũng thích nhưng bạn sẽ lãng phí một số tiền không đáng có đối với những mi-li-mét thừa kia.
Cá nhân mình nghĩ rằng không nên quá bận tâm về khoảng trống này, đặc biệt là người khả năng tài chính có hạn như mình, một khoảng trống nhỏ, thậm chí là một khoảng trống lớn đi chăng nửa thì cũng không thể ngăn cản được đam mê của mình được.
Có rất nhiều cách để khắc phục được điều này, chụp rồi crop đi chẳng hạn, hoặc bạn có thể zoom chân, còn zoom chân không được thì chụp nhiều bức rồi ghép lại như thể loại panorama ,… sự sáng tạo sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề dù là khó nhất.
Bạn thấy không ông Henry Cartier-Bresson mình đề cập ở trên ông ấy chỉ sử dụng mỗi ống 50mm, hiếm khi ông ấy dùng đến chiếc 35mm với 90mm mà vẫn là một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới, chẳng có gì có thể làm khó bạn trừ khi bạn không muốn làm.
Kinh nghiệm cá nhân
Bạn thấy không, không đơn giản là mang tiền ra cửa hàng ưng cái nào thì mang về cái đấy, là một người tiêu dùng thông thái bạn phải xem xét đến nhiều yếu tố từ trọng lượng cho đến độ dài tiêu cự … đó cũng là vấn đề không chỉ của riêng mình.
Tại sao bạn lại muốn mua một chiếc Zeiss 50mm f/1.4 (Một loại lens cao cấp) trong khi có thể mua được một chiếc lens Canon rẻ hơn với chất lượng hình ảnh như nhau? Đó la điều đáng để suy ngẫm. Hay là bạn rất ghét những chiếc lens góc siêu rộng mà bạn lại thích chụp ảnh phong cảnh? Khi đó bạn hãy chọn một chiếc 24-70mm thay vì 11-24mm, mặc dù nhiều nhiếp ảnh gia phong cảnh khác sẽ không lựa chọn như bạn.
Khi lựa chọn một chiếc lens macro, mình cũng thích thể loại này, có một vài sự do dự khi mình lựa chọn ống kính vì có một vài lựa chọn khá hấp dẫn từ các hãng sản xuất của bên thứ ba. Nhiều lens có giá rẻ hơn nhiều so với chiếc Canon 100mm Macro, và chúng cũng mang lại chất lượng hình ảnh tương tự. Tuy nhiên mình vẫn sẽ chọn chiếc 100mm của Canon vì sự tương thích lâu dài cũng như bokeh rất đỉnh và chất lượng chuẩn đến từng pixel của nó.
Ở một mức độ cá nhân hơn một tí, một cách để bắt đầu xây dựng bộ lens cho mình là chọn mua chiếc lens yêu thích trước, bạn đơn giản là bạn có thể thích hoặc không thích một chiếc ống kính nào đó. Có thể là bạn thích độ dài tiêu cự 50mm chẳng hạn, thậm chí là không vì lí do cụ thể nào cả; nhiêu đó thôi cũng đủ lý do để bạn mua ngay chiếc ống này về rồi, hay là bạn thích lens fix hơn là lens zoom, một lần nửa hãy mua chiếc lens fix đầu tiên rồi sau đó sẽ căn cứ theo nhu cầu mà lựa chọn những ống kính tiếp theo để cho đầy đủ bộ.
Dĩ nhiên là sở thích của mỗi người khác nhau, mình từng rất hay sử dụng khẩu độ tele để chụp chân dung chẳng hạn, nhưng bây giờ mình lại ít khi dùng như vậy vì sau một thời gian dài chụp thì mình ngộ ra được sự tiện dụng và chất lượng của chiếc lens 50mm.
Với nhiều nhiếp ảnh gia thì việc thay đổi nhu cầu và kinh nghiệm cũng có thể thay đổi, điều đó hoàn toàn dễ hiểu thôi. Nếu một chiếc ống kính không thể đáp ứng yêu cầu của bạn trong một thời gian dài thì bạn cũng có thể thay thế, không nhất thiết là mua rồi phải sử dụng mãi mãi, tuổi thọ của máy móc không dài như của con người.
Với bản thân mình thì việc trải nghiệm trước khi mua là rất quan trọng. Hiện nay có rất nhiều nơi cho thuê ống kính ở các thành phố lớn, đừng tiếc tiền thuê lens đó sử dụng thử nếu bạn có ý định mua nó, khi mình mua một chiếc lens mình thường tìm thuê (nếu bạn có người quen thì có thể mượn) để trải nghiệm thực tế, vừa thực hành vừa có cơ sở để đưa ra quyết định của mình, bạn sẽ nhận ra được nhiều điều hơn là việc cứ ở nhà ngồi xem review trên mạng hay nghe người khác kể, bạn mua về cho bạn chứ không phải cho bất kì ai.
Hãy cải thiệt bộ công cụ của bạn mọi lúc
Gần như chiếc ống kính đầu tiên bạn mua sẽ không phải là chiếc mà bạn ưng ý nhất. Tuy nhiên mỗi chiếc lens bạn sử dụng sẽ giúp bạn học được những điều mới và tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm. Mỗi chiếc ống kính sẽ một giúp bạn học được những thứ khác nhau.
Nếu bạn không muốn dùng mãi một bộ bạn luôn có thể cải thiện bộ công cụ để có thể chụp tốt hơn, có thể bán lại chiếc ống kính của mình để mua chiếc mới, chắc chắn bạn không thu lại được toàn bộ số tiền bỏ ra ban đầu nhưng nó giúp bạn học điều nhiều điều trước khi đi đến cái đích là tìm ra được chiếc lens phù hợp với phong cách của bạn nhất.
Như mình đã nói ở phần đầu bài viết, mình đã thay toàn bộ bộ lens của mình lúc mới mua máy cùng với lens. Mỗi lần thay đều cải thiện hơn so với lần trước đó và nếu nhu cầu chụp của mình còn thay đổi thì việc thay lens sẽ tiếp diễn. Nhưng phải luôn đảm bảo rằng lần thay đổi sau luôn tốt hơn lần trước đó nếu không thì chẳng ai gọi là nâng cấp.
Lời kết
Việc lựa chọn cho mình một bộ lens không phải là một quyết định dễ dàng. Số lượng các sản phẩm trên thị trường khó mà hình dung được là nhiều như thế nào, đặc biệt là nếu bạn tính đến các hãng sản xuất thứ ba. Và gần như bạn sẽ không bao giờ tìm được bộ ống kính phù hợp nhất với bạn ngay trong lần đầu tiên.
Nhưng qua những lần thay đổi bạn sẽ dần định hình được phong cách chụp và phát triển kỹ năng của mình, từ đó bạn sẽ biết được đâu là bộ ống kit phù hợp với bản thân mình nhất.
Việc thay đổi là việc gần như bạn phải làm nếu bạn muốn theo đuổi bộ môn lâu dài, nhưng mỗi lần thay đổi là chi phí cũng không hề nhỏ bởi nên người ta mới nói nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật tốn kém. Mỗi lần chi là mỗi lần tốn kém nên hãy là một người tiêu dùng thông thái lựa chọn sáng suốt để tránh việc chi không đáng.
Sự lựa chọn của bạn sẽ không rõ ràng và thành công ngay từ đầu được, trong nhiều trường hợp bạn sẽ mất nhiều thời gian trải nghiệm mới nhận ra đâu là những chiếc lens yêu thích của mình. Nhiều người không có khái niệm “bộ lens yêu thích nhất” mà họ thích thay đổi thường xuyên liên tục, thật ra điều đó cũng tốt thôi, đó là một cách để khám phá trọn vẹn bộ môn nhiếp ảnh này.
Sau tất cả, điều quan trọng nhất là bạn hài lòng với những quyết định của mình. Nếu bộ lens đó giúp bạn thỏa mãn được đam mê chụp ảnh của mình thì điều đó quan trọng hơn bất kỳ yếu tố kỹ thuật nào. Trên đây là bài viết của mình về việc lựa chọn một bộ lens cho bản thân. Bài viết khá dài, cảm ơn các bạn đã đọc đến đây!