Khái niệm Subdomain đã trở nên quen thuộc với những người quản trị website. Tuy nhiên, một số nhà kinh doanh vẫn chưa biết sử dụng chúng vào mục đích gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về Subdomain để ứng dụng được tốt nhất.
Subdomain là gì?
Subdomain được hiểu là tên miền phụ hay tên miền con, hoạt động như một website riêng biệt. Đặc điểm của loại tên miền này là có tiền tố đằng trước tên miền chính. Subdomain được tạo lập dựa trên tên miền chính, cùng nằm trên 1 hosting và mang đầy đủ tính chất như 1 tên miền chính.
Ví dụ với tên miền chính là bkhost.vn thì bạn có thể phát triển nhiều tên miền con như: kienthuc.bkhost.vn hay wiki.bkhost.vn
Phân biệt Root domain và Sub domain
- Root domain: Tên miền chính hay chính là địa chỉ bạn sử dụng làm tên cho trang web của mình. Ví dụ: bkhost.vn
- Sub domain: Tên miền phụ. Cấu trúc bao gồm: phần “sub” + dấu chấm + tên miền của bạn. Ví dụ: wiki.bkhost.vn
Một vài lưu ý về Subdomain
- Subdomain được tạo miễn phí với số lượng không giới hạn.
- Subdomain hoạt động như 1 tên miền riêng biệt, không ảnh hưởng đến hoạt động của tên miền chính.
- Subdomain không thể hoạt động được khi tên miền chính gặp sự cố. Trong trường hợp tên miền chính hết hạn, bị hủy, bị khóa thì tên miền phụ cũng không thể hoạt động.
Hướng dẫn tạo và quản lý Subdomain
Với tài khoản quản trị tên miền, bạn có thể tự tạo Subdomain. Tuy nhiên với mỗi nhà cung cấp tên miền cách tạo và trỏ có thể khác nhau ở 1 số bước. Bên cạnh đó, có thể việc sử dụng ngôn ngữ cho mỗi công cụ quản lý cũng khác nhau. Nhưng về cơ bản sẽ có các phần như sau:
- Cột “Host”: chứa Phần Sub
- Cột “Loại”: loại DNS record
- Cột “Địa chỉ”: IP của Server mà Subdomain muốn trỏ đến
Kinh nghiệm sử dụng Subdomain hiệu quả nhất
Mục đích sử dụng Subdomain để làm gì?
Subdomain cực kỳ hữu ích cho nhu cầu làm website của doanh nghiệp và những người làm quản trị website. Với subdomain, ta có thể:
Tạo ra những website riêng biệt
Mục đích chính của subdomain là tạo ra website mới mà vẫn sử dụng domain chính. Website mới được tạo ra từ hoạt động độc lập như website chính mà không ảnh hưởng đến website chính.
Tạo trang web dành riêng cho phiên bản mobile
Với việc tạo subdomain cho phiên bản di động, khi truy cập vào website sẽ hiển thị bố cục tương thích với kích thước màn hình của thiết bị. Điều này đặc biệt hữu ích với các website chưa được thiết kế chuẩn di động. Để dễ hiểu, bạn hãy hình dung, khi truy cập vào trang web bằng PC sẽ trả về địa chỉ xyz.com nhưng điện thoại truy cập cùng địa chỉ đó sẽ dẫn đến subdomain với tên miền m.xyz.com.
Tách riêng các module Blog, Tin tức hay trang thương mại điện tử khỏi website chính
Với các doanh nghiệp đa ngành nghề, việc dùng subdomain để chia các module ở website chính ra các trang web độc lập có lợi cho việc phát triển quy mô và quản trị website. Chẳng hạn công ty A kinh doanh các mặt hàng: quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách, phụ kiện,… muốn phát triển blog cho từng nhóm sản phẩm riêng biệt. Khi ấy rất khó để phân chia trong một module, lúc này việc sử dụng subdomain để tách ra thành nhiều website là giải pháp tối ưu.
Giúp tiết kiệm chi phí
Chắc chắn việc tạo subdomain từ tên miền chính đã có sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí hơn so với việc mua tên miền mới. Đồng thời bạn cũng có thể tạo được vô số website mới từ domain chính.
Vậy khi nào bạn nên tạo Subdomain?
Rõ ràng với việc tạo được subdomain không giới hạn số lượng, bạn có thể sử dụng chúng thoải mái. Tuy vậy, bạn vẫn nên sử dụng subdomain đúng mục đích để việc tạo ra chúng có hiệu quả.
Doanh nghiệp cho ra mắt một sản phẩm hoặc dịch vụ mới
Như đã nói ở phần trước, trường hợp doanh nghiệp có nhiều sản phẩm/ dịch vụ khó phân chia trong một module thì bạn cần sử dụng subdomain để tách chúng ra. Hoặc với sản phẩm mới dành cho đối tượng khách hàng không giống với website chính thì bạn nên dùng subdomain để tách ra website mới. Trang website này được thiết kế với nội dung độc lập, phù hợp và thân thiện với đối tượng khách hàng của sản phẩm mới.
Cần phải quản lý các website tối đa nhất
Việc sử dụng subdomain để tạo ra website mới giúp đội ngũ quản trị viên thực hiện công việc dễ dàng và có quy trình chuyên nghiệp hơn. Việc tách các trang web cũng giúp cho việc bảo mật tốt hơn, đặc biệt trong việc tách các trang blog, trang review với các trang thương mại điện tử.
Hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu
Website được tạo ra từ subdomain vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, vừa đưa ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả vào đúng thời điểm. Bên cạnh đó, website này còn hỗ trợ tốt cho SEO, tận dụng traffic từ tên miền chính để quảng bá hiệu quả hơn.
Lời kết
Trên đây là một số thông tin cơ bản nhất về Subdomain. Hi vọng với bài viết này bạn có thể hiểu rõ hơn về subdomain, cách tạo và ứng dụng chúng, từ đó có thể sử dụng subdomain hiệu quả để tạo lập website, phát triển công việc kinh doanh. Nếu bạn còn băn khoăn điều gì liên quan đến subdomain hãy để lại bình luận ở phía dưới nhé!